Mừng Khánh tuế THẦY 17/7/Mậu Tuất – 27/8/2018 |
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Kính bạch Thầy, Mừng ngày Khánh tuế của Thầy, chúng con cúi đầu đảnh lễ, kính dâng lên Thầy lời bộc bạch chí thành. Bạch Thầy, Chúng con mừng Thầy tăng thêm 1 tuổi công đức, là 1 tuổi bi trí tròn đầy. Thầy đã vì chúng con mà trụ thế lâu dài, dù tứ đại phải chịu nhiều nhọc nhằn khó khăn của tuổi già. Sự thị hiện bệnh duyên của Thầy là bức thông điệp gởi đến cho tất cả huynh đệ chúng con, còn hơn ngàn vạn lời về đức an nhẫn. Bài học thân giáo từ Thầy là pháp lực vô ngôn của một nội tại thâm hậu, một công phu thiền định kiên cố, nhắc nhở cho chúng con phải biết nghĩ về đời mình, thương mình là lo tu hành. Sanh lão bệnh tử vốn không khoan nhượng bất kỳ một ai. Đối diện với nó cũng không ai có thể thay thế được mình. Vì vậy mỗi chúng con phải cần kíp nỗ lực tu hành, nhận và sống cho kịp với chính mình, trước khi bất lực vì thân tứ đại chống trái. Điều này đòi hỏi sức tỉnh giác của chúng con phải mạnh mẽ, sự hành trì phải miên mật và nhất là tấm lòng cầu đạo phải tha thiết miên trường. Kính bạch Thầy, Nhớ lại những ngày chúng con theo Thầy lên núi tu thiền. Trong suốt thời gian đầu tu học trên núi, con vâng lời Thầy luôn cố gắng tập trung bảo vệ công phu, làm sao đừng nghĩ ngợi gì hết, để không có ý niệm muốn xuống núi. Vì con nghĩ xuống núi rồi đi đâu, làm gì, về trở lại có còn lành lặn không. Đã bao năm tháng con bôn ba đây đó, bây giờ được yên ổn, từ bỏ chưa rồi lại gồng gánh thêm làm gì. Do vậy tuyệt đối con không muốn xuống núi. Trong ba năm đầu ở tại Chân Không, duy nhất một lần con mắc lỗi và được Thầy chỉ dạy mà con không bao giờ quên. Hôm đó có mấy Phật tử lên thăm, con đã không chấp hành theo quy chế của thiền viện là tiếp khách theo thời gian quy định. Thầy chống gậy từ thiền đường qua nhà khách. Thấy Thầy, con quýnh quáng không biết nói gì. Thầy quở: - Dở! Dở quá đi! Ngay hôm đó con đắp y lên phương trượng sám hối, Thầy dạy: - Chú tu hành ở đây, Phật tử lên thăm và cúng dường thì họ có phước, chú cũng có phước. Thầy nói dở là dở ở chỗ chú chăn trâu chưa kỹ, không làm chủ được mình. Điều dở này sẽ đưa đến những điều dở khác, nếu không sửa đổi có thể từ đây về sau, chú sẽ xem thường quy chế của thiền viện, sẽ rơi vào việc nói một đàng làm một ngã. Nội một việc đồng hồ reo báo hết giờ hoặc thấy ông Tri khách đứng lên là biết, sao chú không làm theo. Đó là biết mà cố phạm. Thầy dạy thêm: - Chú tu ở đây đàng hoàng, Phật tử họ lên cúng dường là làm được một việc công đức, gầy dựng nhân duyên lành trong đạo và họ sẽ phát tâm tu tốt hơn. Tuy rằng họ biết hôm nay chú bị rầy, nhưng điều quan trọng hơn là họ thấy được uy lực của một nơi tu hành nghiêm túc. Nếu họ có phiền thì Thầy sẵn lòng bao dung hết, miễn sao chú tu tốt là được. Nhờ những lời răn nhắc ấy nên suốt ba năm con không hề tái phạm hay mắc thêm lỗi nào khác nữa. Từ đó con cố gắng nhiều hơn. Khi còn sống dưới phố thị muốn gì được nấy, nhưng giờ sống trên núi, không có người cung cấp những thứ mình muốn. Bởi vì toàn thể huynh đệ đều đồng như nhau, chỉ một bộ y hậu, một chiếc áo tràng dùng khi thọ trai, ngồi thiền, học tập và hai bộ đồ thay đổi hàng ngày. Đời sống thầy trò, huynh đệ đạm bạc. Từ Thầy, huynh trưởng đến các em nhỏ đều giống nhau, vì thế có sự cảm thông tràn đầy, niềm tin vui hỗ trợ nhau tu hành. Cũng nhờ vậy mà con có thể vượt qua được những bước khó khăn ban đầu. Thầy dạy chúng con cố gắng nuôi dưỡng một sức sống mạnh mẽ, sống với nhau bằng chân tình, bằng cả tấm lòng đầy đạo vị, đừng để niệm khác xen vào. Buông được những tạp niệm thì cuộc sống sẽ trở nên trong sáng an vui. Sở dĩ có những điên đảo là do vọng tưởng. Thiền sinh nào bị thầy quở, hoặc được các sư huynh lớn nhắc nhở thì phải biết do thương mình, muốn tốt cho mình. Đừng nên buồn giận, phải gầy dựng sức mạnh tỉnh giác và sự cảm thông. Đó là điều đại chúng nên làm, đừng để vọng tưởng dẫn mình đi vào những nơi tăm tối. Chúng ta gặp nhau đây là phúc duyên nhiều đời nhiều kiếp, nên chư huynh đệ đừng khởi nghĩ tìm nơi nào khác mỗi khi có bất an trong lòng. Thầy tổ, huynh đệ là bà con ruột rà của mình. Do trước đây có lời nguyện như thế nào đó, nên bây giờ chúng ta mới tụ họp về một trú xứ. Hãy đem niềm vui đến cho nhau bằng công đức tu hành của mình. Mỗi khi gầy dựng được chút công đức gì, khắc phục được chút điên đảo vọng tưởng nào, mình đều hồi hướng cho tất cả huynh đệ. Bản thân được điều gì tốt đẹp nên mong tất cả huynh đệ cũng đều được như thế. Những năm ở Chân Không là những năm chúng con được Thầy huấn luyện. Thời gian huấn luyện chưa bao nhiêu, chỉ một khóa đầu là trọn vẹn, khóa thứ hai nửa chừng thì phải ngưng. Chư Tăng tập trung về Thường Chiếu là số anh em gạo cội của hai khóa Chân Không và Linh Quang, được khoảng 20 vị nhưng trụ lại chỉ hơn 10 vị. Giai đoạn đầu là như vậy, nhưng con đều tin vâng theo lời Thầy dạy. Thầy sắp đặt thế nào thì con làm y như vậy. Thầy bảo làm trụ trì thì con làm trụ trì, Thầy bảo nghỉ thì con nghỉ. Thầy nói: “Nhật Quang điếc không sợ súng!”. Thâm tình của Thầy đối với con là thế. Thường Chiếu của những thập niên 70, chỉ có nắng và gió, không một bóng người vãng lai. Thầy đưa chúng con về đây và dạy cạp đất mà sống. Anh em chúng con nhìn thấy nơi đây, thì thầm với nhau “chỗ này chỉ có nước làm sân banh mà thôi”. Thế nhưng nhờ sức gia trì của Tam bảo, nương phúc trí của Thầy, nhất là sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể Tăng Ni, nên đạo tràng Thường Chiếu dần dần hình thành, ngày càng trang nghiêm thanh tịnh. Có lần Thầy chống gậy đi vòng quanh rồi nói: - Tâm huyết của tôi là làm sao cho ngôi vườn Thường Chiếu phải đơm hoa kết trái, tôi mới vui lòng theo Phật. Đây coi như là một di huấn, Thầy muốn nhắn nhủ huynh đệ chúng con nỗ lực tu tập. Đặc biệt hơn nữa vào lần mãn hạ tự tứ trước khi thọ bệnh, Thầy đã nhắc nhở: Chúng ta là đệ tử Phật, là con Phật thì lúc nào cũng nghĩ đến con đường giác ngộ, giải thoát sanh tử. Đây là con đường cao thượng nhất, quý báu nhất. Tất cả những việc làm của thế gian hay dở phải quấy, chỉ là tạm thời thôi. Điều quan trọng của chúng ta là thấy rõ con đường đưa mình tới giác ngộ giải thoát là con đường cao thượng nhất. Chúng ta tu để giải thoát sanh tử, chứ không phải tu để tu thôi. Muốn giải thoát sanh tử phải sống đúng với tinh thần tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Có thế ngày ra đi mới thảnh thơi tự tại. Nếu tu cầm chừng lấy có, nói năng cũng không thông suốt, thì không bao giờ đạt được mục đích giải thoát. Nên nhớ mỗi người phải tự gánh vác lấy đời tu của mình. Hôm nay Tăng Ni và Phật tử hướng về Tam bảo, cầu Tam bảo chứng minh gia hộ cho Thầy, Thầy rất hoan hỷ. Thầy cũng nguyện chư Phật chứng minh gia hộ cho Tăng Ni và quý Phật tử đều được an vui, khoẻ mạnh, tinh tấn tu hành, nhất là vượt qua bể khổ trầm luân. Thầy mong muốn, trông đợi mai sau chư Tăng Ni và Phật tử đều được thảnh thơi, sống an ổn ở chỗ Phật Tổ thường chỉ dạy. Thường trú trong niềm an lạc đó thì sự tu hành mới xứng đáng. Nếu tu cầm chừng, không biết tới chỗ chân thật thì uổng phí một đời tu. Tổ đình Thường Chiếu qua nhiều năm gầy dựng giờ đã thành đạo tràng lớn, là trung tâm giáo hóa thiền tông Việt Nam của thiền phái Trúc Lâm do Thầy phục hưng. Các thiền tử trong nước cũng như ngoài nước học thiền, hiểu thiền và hành thiền đều kết duyên với Tổ đình Thường Chiếu, chiếc nôi giáo hóa thiền tông Phật giáo Việt Nam của Thầy. Giờ này, huynh đệ chúng con Tăng Ni, Phật tử các thiền viện, thiền tự, các đạo tràng thiền phái Trúc Lâm… đồng vây quanh dưới chân Thầy, đều là hàng môn hạ pháp tử, pháp tôn của Thầy, đồng nhận lãnh ân pháp hóa của Ân sư. Chúng con nguyện sẽ nhắc nhở nhau tu học xứng đáng, là thiền sinh do Thầy dày công dạy dỗ. Huynh đệ đùm bọc, chia sẻ, cùng nhau tiếp nối, giữ gìn, phát huy dòng thiền Trúc Lâm, như tâm nguyện và hoài bão Thầy hằng mong mỏi. Kính nguyện Thầy của chúng con luôn an tường, tứ đại ôn hòa, phúc trí trang nghiêm, Thầy là tàng cây cổ thụ che mát chúng con, là nơi chúng con đổ về nương tựa tu học, thành tựu tâm nguyện cao cả của người xuất gia. Cúi mong Thầy từ bi thương xót, chứng minh cho lòng thành của tất cả chúng con. Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. |