HỘI THỨ CHÍN

Vậy cho hay:
Cơ quan Tổ giáo;
Tuy khác nhiều đàng,
Chẳng cách mấy gang.
Chỉn xá nói từ sau Mã Tổ;
Ắt đã quên thuở trước Tiêu Hoàng.
Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi;
Khuếch nhiên bất thức, tai ngu mảng ắt còn vang.
 

 

Sanh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ;
Thân bồ-đề, lòng minh kính, bài giơ mặt vách  hành lang.
Vương lão chém mèo, lạt trẩy lòng ngừa thủ tọa;
Thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng.
Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ư, chẳng cho mà cả;
Sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang.
Phá Táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần miếu;
Câu Chi day ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang.
Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại;
Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm xá nghênh ngang.
Đưa phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn;
Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang.
Thuyền Tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịn tẩy;
Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng.
Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ;
Rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang (giương).
Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái Bạch;
Bính Đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng Thiên Cang,
Trà Triệu lão, bánh Thiều Dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát;
Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.
Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nát;
Lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.

Chú thích:

- Giơ: Viết lên.
- Trẩy lòng: Thử lòng.
- Trỏ xem: Chỉ xem.
- Con giàng: Con cháu.
- Khôn: Khó    
- Thưa đang: Thưa hỏi.
- Ông ang: Ông cha.
- Hượm: Dừng.
- Chước móc: Mưu mẹo.
- Chỉn lệ: Chỉ sợ.
- Giang: Đồn đại.
- Nhân mang mới nát: Nhân cưu mang mới ngộ, tan nát hết nghi ngờ.
- Mặc vẻ mà sang: Vẻ mặt lặng lẽ mà rất sáng.

GIẢNG

Trong hội này nhắc nhiều đến hành trạng của chư Tổ Trung Hoa. Phần này trong thiền sử đã nói rõ, ở đây chúng ta chỉ nắm ý chánh của Sơ Tổ Trúc Lâm thôi. Điểm đặc biệt trong nhà thiền là cốt dạy cho hành giả nhận được chớ không dạy cho hiểu, đôi khi không cần hiểu. Ngay nơi sự việc, câu chuyện đó chúng ta nhận ra ý Tổ sư, tùy theo duyên của mỗi người mà chỗ nhận sâu hay cạn. Ai rồi cũng nhận ra chỗ đó hết, không người nào chẳng có phần. Tùy theo công phu và duyên của mình thôi.

Nói thế để chúng ta không mất hy vọng trên đường tu hành. Trong nhà thiền không có cái ngộ nào giống cái ngộ nào hết. Có người nhìn cảnh nhận ra, có người nhân âm thanh hoặc thấy ánh sáng nhận ra việc của chính mình. Vì vậy chư Tổ dùng vô lượng hình ảnh để khai thị cho kẻ học đạo tùy theo căn cơ của họ. Như Mã Tổ Đạo Nhất khi có người tới hỏi đạo, Ngài đạp cho một đạp té nhào. Hành giả cười ngất, ngộ đạo. Đây là pháp gì? Chẳng có bài bản gì hết, tùy căn khí nhân duyên của vị đó thôi.

Giả sử bây giờ chúng ta bị một đạp như thế, chưa chắc đã cười được, không chừng còn nổi sân nữa là khác. Nếu không đổ quạu cũng sẽ vọng tưởng trên cái đạp đó. Nhưng dù hiểu thế nào đi nữa cũng không đúng, không phải là thiền khách vào được cổng Thiền Tổ. Phải ngay nơi đó nhận ra mới vô nhà được. Ngày nay chúng ta được Hòa thượng nói trắng ra hết, không giấu giếm chi, nên Ngài vừa mở miệng thì ta đã hiểu rồi. Bởi hiểu một cách dễ dàng như vậy nên cũng quên một cách dễ dàng, không nhớ tí xíu nào hết. Có những điều đáng nhớ nhưng chúng ta quên hồi nào không hay. Mới nghe pháp thấy in tuồng như là vào cửa được dễ dàng, in tuồng như xong việc. Nhưng nghiệm kỹ lại thì chưa vô cửa được mà cũng chưa xong việc. Dễ hiểu dễ quên như thế thì biết không phải là cái thật của mình rồi. Do vậy chúng ta cần phải tu nhiều nữa.

Từ hội thứ nhất cho tới hội thứ chín, chúng ta thấy Ngài luôn luôn nhắc phải cố rèn luyện, giống như người đãi cát tìm vàng, phải đãi hết cát mới ra vàng. Tuy có vàng trong quặng nhưng muốn được vàng thật, ta phải chịu khó đãi thật hết cát mới có vàng thật. Cũng vậy, tuy tánh giác tất cả chúng sanh đều có sẵn nhưng vì nó còn tạp lẫn với phiền não trần lao, nên chúng ta cần phải tôi luyện, phải tu. Ngài dạy thiền tăng trước hết học hiểu rồi sau đó thực hành tới nơi tới chốn. Sở dĩ bây giờ chúng ta tu yếu hơn người xưa là vì kém phần công phu. Về sự thông minh, hiểu biết, giỏi nhớ thì không thua nhưng thực hành công phu không miên mật, không tinh tấn nên dễ quên. Nghe liền hiểu liền nhận nhưng không có công phu nên chỉ hiểu ngoài da và vì thế quên hết sức nhanh. Hồi xưa chư Tổ phải cặm cụi tìm kiếm, lặn hụp đào xới vô vàn cực khổ, chứ không phải như chúng ta bây giờ.

Ngày xưa làm gì có những vị thầy ngồi đó đọc từng chữ quốc ngữ, chỉ rõ từng điều từng câu cho mình hiểu đâu. Các ngài nói bên đông bên tây, trên trời dưới đất, ai nhận được thì nhận, nhận không được thì thôi. Cũng có vị nhận hiểu, nhưng chỉ là tiểu ngộ chứ chưa phải triệt ngộ. Ngày nay chúng ta học thiền không có cực khổ gì hết, chỉ cần mở một đoạn băng là nghe hiểu hết. Từ thời thượng cổ, lúc Tổ Bồ Đề Đạt Ma xuống tàu qua Trung Quốc, rồi tới ngài Huệ Khả đứng trong tuyết trên đỉnh Tung Sơn, dài cho tới chư vị Tổ sau này… chỉ trong vòng một hai tiếng đồng hồ là ta có thể nghe biết hết. Nghe nhanh quá nhiều quá nên chả nhớ cái gì hết, trong công phu chưa có chi dính dáng với mình cả. Do thiếu thực nghiệm nên thiếu chiều sâu, không thể nhận đến nơi đến chốn.

Học thiền không phải chỉ ngộ một lần, mà phải trải qua rất nhiều lần. Những lần tiểu ngộ tức những lần ngộ nho nhỏ thì nhiều, dần dần lóe lên những chỗ lớn hơn, rồi công phu tiến triển thêm nữa chúng ta mới đi tới đại ngộ, triệt ngộ. Quá trình tu như vạây đòi hỏi chúng ta không thể nào dễ duôi xem thường mà có thể nhận được cái chân thật ngay nơi mình. Hoặc có người thấy điều này dễ dàng quá nên không đặt vấn đề quan tâm việc nghiên tầm tu học gì hết. Thế là có khi cả đời quý vị lơ lơ là là, như Tổ Quy Sơn quở “Lơ láo qua ngày” vậy.

Trong hội này có ba điểm cần nêu ra.

Điểm thứ nhất nói cơ phong dưới cửa Tổ sư rất nhiều, nhưng cứu cánh thì không khác nhau, nên nói Chẳng cách mấy gang. Nếu xét từ Mã Tổ trở về sau, không kể từ lúc Tổ Bồ Đề Đạt Ma lên thuyền sang Trung Hoa, Tổ sư tuy nhiều nhưng tông chỉ không ngoài Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Chúng ta lật lại đoạn đầu của trang sử thiền tông, khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma tới Trung Hoa được vua Lương Võ Đế đón về triều. Võ Đế là một vị vua rất hâm mộ Phật pháp, cất chùa độ Tăng, cúng dường Tam bảo, tu tạo rất nhiều phước duyên. Nhưng cơ duyên đốn giáo thì nhà vua chưa phải là người đón nhận được giáo ngoại biệt truyền. Do vậy, Tổ Bồ Đề Đạt Ma sang miền Giang Bắc thuộc nhà Nguỵ, lên chùa Thiếu Lâm trên đỉnh Tung Sơn.

Như vậy trước khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa, nước này đã có chùa, có các sư truyền bá đạo Phật. Nhưng pháp môn của các ngài không giống như Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Khi lên đến núi này Ngài không giảng kinh thuyết pháp, không cất chùa độ Tăng, mà sống rất kỳ đặc, đó là ngồi quay mặt vô vách chín năm trời, không nói một lời, không ai lay động nổi con người đặc biệt này. Chúng ta ngày nay đến nơi nào cũng hay tổ chức, sắp đặt, cất chùa, thâu đệ tử, giao thiệp nọ kia, giảng kinh thuyết pháp… Riêng Tổ Đạt Ma vừa tới kinh đô gặp vua Lương, qua thời pháp đầu tiên thấy không hợp liền bỏ đi một cách dứt khoát. Ngài lên ngọn Tung Sơn, đây là dãy núi được gọi là cô tuấn, tức cao chót vót và rất nguy hiểm, tuyết phủ quanh năm. Lên đó ngồi không tiếp ai hết, mà cũng không cần gặp ai. Bởi điều Ngài nói ra khó có người nhận được tới nơi tới chốn. Do vậy Ngài thà đợi thời cơ chứ không vội vàng sôi nổi như chúng ta.

Chín năm trời ngồi quay mặt vô vách, cuối cùng có một thiền khách dũng sĩ tìm đến. Ngài Thần Quang suốt đêm đứng trong tuyết ngập thấu đầu gối để cầu pháp. Chỉ một lời nói của Tổ: “Người cầu đạo Vô thượng Bồ-đề có thể dùng một chút ít công phu như thế mà cầu được sao?”, Thần Quang liền chặt cánh tay dâng lên để chứng tỏ lòng thành quên thân vì pháp của mình.

Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma biết đây là người mình đã chờ đợi, nên chấp nhận cho Thần Quang thưa hỏi:

- Bạch Hòa thượng, tâm con không an. Cầu Thầy chỉ dạy cho con pháp an tâm.

Tổ bảo:

- Đem tâm ra ta an cho.

- Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.

- Ta đã an tâm cho người rồi.

Bài pháp có bao nhiêu đó thôi, không đầu đuôi thủ vĩ gì hết, thầy trò nói qua mấy câu như thế, mà một sự truyền thừa sáng ngời rực rỡ cho tới bây giờ. Bởi Ngài qua đây với tinh thần giáo ngoại biệt truyền, không dựa vào phương tiện nào hết. Độc đáo, đặc biệt như vậy đó. Từ khi qua Trung Thổ cho đến bấy giờ, Tổ Đạt Ma mới tìm được một người đệ tử duy nhất có thể kham nhận yếu chỉ này, vì thế sau đó Thần Quang được đổi thành Huệ Khả. Huệ là trí tuệ, Khả là được, là khá đó. Vậy, yếu chỉ của Bồ Đề Đạt Ma là gì? Là Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật. Chỉ có thế thôi.

Điểm thứ hai, Tổ muốn nhắc người tu không nên kẹt nơi các pháp hữu vi sanh diệt. Về phần này, chúng ta nhắc lại một chút về cuộc đối thoại giữa Tổ Đạt Ma với vua Lương. Nhà vua hỏi câu thứ nhất:

- Trẫm cất chùa độ Tăng, làm các Phật sự có công đức chăng?

Đáp:

- Không có công đức.

Câu hỏi thứ hai:

- Thế nào là Thánh đế đệ nhất nghĩa?

Đáp:

- Rỗng nhiên không Thánh.

Câu hỏi thứ ba:

- Đối trẫm là ai?

Đáp:

-  Không biết.

Tổ Đạt Ma đã trả lời thẳng thừng vậy.

Trả lời như thế đối với người thường đã là mếch lòng lắm rồi, huống nữa đối với nhà vua, việc này mất đầu như chơi. Thế nhưng Tổ Đạt Ma đã chẳng ngần ngại chút nào khi buông ra những lời sấm sét ấy. Nhà vua nghe mà đau lòng lắm chứ, cả một đời hướng về Phật pháp, làm bao nhiêu Phật sự mà bảo chẳng có chút công đức gì. Không giận sao được? Nhưng vua Lương không ngờ, chính Tổ đã vì Ngài mà mở toang cửa đại pháp, vì Ngài phá dẹp các kiến chấp làm cho vua thấu được lẽ thật nhiệm mầu. Song vua Lương không nhận ra nên Tổ đã bỏ đi.

Tất cả những gì thuộc về hình thức hữu vi đều không thật, không cố định trường cửu lâu bền. Nó vẫn có nhưng có trong cái duyên hợp tương đối, vì vậy nói pháp hữu vi hữu hình thì hữu hoại, có hợp ắt có tan. Ở đây Tổ Đạt Ma trả lời thẳng với vua Lương Võ Đế là căn cứ trên pháp chân thật mà nói, nó rỗng rang không có gì hết nhưng vua không nhận được, nên Tổ Trúc Lâm bảo nhà vua còn bị kẹt chấp nơi các pháp hữu vi sanh diệt, còn mê tánh giác của mình.

Thực ra chẳng những vua Lương hồi xưa mà chúng ta bây giờ cũng vậy. Phần nhiều đều vướng kẹt nơi hình thức, pháp nào ta có chiếu cố thì có vướng mắc. Chúng ta không có “rỗng”, Tổ Đạt Ma bảo là “rỗng nhiên”. Chúng ta đụng cái nào dính cái nấy nên không tự tại giải thoát. Các ngài sở dĩ tự tại là vì không dính mắc các pháp. Chúng sanh vì chấp các thứ duyên hợp là thật nên quen với kiến chấp này rồi, do đó ai nói giả họ không chịu. Cũng thế, nhà vua quen cho rằng các việc hữu lậu của mình có công đức vô lượng vô biên rồi nên không chấp nhận Sơ Tổ Đạt Ma. Làm việc thiện mà chấp nhiều chừng nào thì càng vướng mắc chừng nấy, không phải sáng suốt đâu. Đó chính là lý do vì sao vua Lương đã mất nước và chết thảm dưới tay giặc Hầu Cảnh.

Về mặt này, vua Trần Nhân Tông ở nước ta tiến bộ hơn nhiều. Do không kẹt nơi việc thiện, nên nhà vua đã lãnh đạo quân dân Việt Nam đánh tan giặc Nguyên Mông sang xâm lăng nước ta. Ở Triều Tiên thiền sư Thối Ẩn cũng thế, khi trong nước có giặc, nhà vua tới đảnh lễ, thỉnh thiền sư ra cầm quân đánh giặc, Ngài chấp nhận. Chỉ có thiền sư mới dám làm thế thôi. Nhìn lại Việt Nam chúng ta, triều Trần từ vua chúa cho đến quan lại trong triều đều là Phật tử, mà thời này vũ công oanh liệt nhất.

Từ Tổ Huệ Khả, thầy trò tâm đắc nối nhau truyền pháp xuống Tổ Tăng Xán, Tổ Đạo Tín, Tổ Hoằng Nhẫn, Tổ Huệ Năng. Sau Tổ Huệ Năng, từ hai vị đệ tử lớn là Thanh Nguyên Hành Tư và Nam Nhạc Hoài Nhượng dài xuống thành trăm nhà, chia ra năm tông bảy phái. Bên nhánh Nam Nhạc sau này xuất sinh ra tông Lâm Tế, tông Quy Ngưỡng, tông Vân Môn, tông Pháp Nhãn. Còn bên nhánh Thanh Nguyên thì tông Tào Động. Tông Lâm Tế sau xuất thêm hai chi nữa là Dương Kỳ Phương Hội và Hoàng Long Huệ Nam. Đủ năm tông bảy phái.

Việt Nam chúng ta cũng được sự truyền thừa đó. Giòng truyền thừa thứ nhất sang xứ chúng ta từ Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi, cuối thế kỷ thứ VI. Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi là học trò đắc pháp với Tổ Tăng Xán. Bấy giờ ở Trung Hoa có pháp nạn, nên sau khi nhận được tâm pháp rồi Tổ Tăng Xán dặn Ngài phải ẩn sang Việt Nam, ở chùa Kiến Sơ và bắt đầu hoằng pháp tại nước ta. Tới đầu thế kỷ IX có Tổ Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa truyền sang, đó là giòng thiền thứ hai. Đến vị thứ ba là ngài Thảo Đường, một vị thiền sư Trung Hoa truyền đạo ở đất Chiêm Thành. Sau trận chiến thắng của vua Lý Thánh Tông, những tù binh của Chiêm Thành được đưa về cung thành nhà Lý, trong đó có thiền sư Thảo Đường. Khi vua quan nước ta phát hiện ra thiền sư, bấy giờ Ngài được mời vào cung dạy đạo cho vua. Sang thế kỷ XIII phái thiền Việt Nam thời Trần ra đời, đó là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, góp nhặt và dung hợp tinh hoa của ba phái thiền trên tạo thành một thiền phái mang phong cách rất Việt Nam.

Thời gian sau này ở Việt Nam có những vị Tổ Trung Hoa sang truyền giáo ở Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra) theo tông Lâm Tế, như ngài Chuyết Công Tại Tại ở chùa Bút Tháp - phủ Thuận Thành. Ngài tu thành đạo ở chùa Phật Tích - Bắc Ninh, còn để lại nhục thân nơi đó. Tông Lâm Tế còn được truyền ở Đàng Trong, như Đồng Nai có ngài Nguyên Thiều, tức Tổ Hoán Bích Nguyên Thiều. Bây giờ người ta phát hiện được tháp của Ngài ở Tân Triều - Đồng Nai.

Dấu vết truyền thừa của chư tổ Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ chúng ta đã được học qua lịch sử rõ ràng như vậy, không có gì phải nghi ngờ. Điều này minh chứng cho chúng ta thấy, hễ có tu thì có tiến, có thành tựu, không thể khác hơn được. Nhưng với điều kiện là tu cho đúng, tu mà đừng kẹt đừng vướng vào đâu hết mới được. Ở đây, Hòa thượng Viện trưởng không đặt nạêng phả hệ, chỉ cốt làm sao Tăng Ni nhận được, hiểu được Phật pháp chân chính, rồi nỗ lực tu hành để được an vui giải thoát thôi.

Trở lại vấn đề tu hành, nếu chúng ta không chịu hạ thủ công phu thì không được gì. Mình không chịu tu, không chịu học hiểu cho đến nơi đến chốn, thì dù bao nhiêu năm ở Thiền viện cũng không ý nghĩa chi hết. Chúng ta cố gắng tu làm sao thật vững, trí sáng thì tự nhiên sắp đặt việc gì cũng dễ thành tựu. Được vậy mới xứng đáng là thiền sinh ở thiền viện, mới đủ ý nghĩa là người chuyên tu thiền. Như chúng ta biết hiện nay Hòa thượng Viện trưởng lập các thiền viện là nơi chuyên tu thiền, và đặc biệt là Ngài có tâm nguyện khôi phục lại thiền tông Việt Nam vào thời Trần. Bởi vì Thiền tông đời Trần đã được các Thiền sư Việt Nam thực tu thực chứng. Các ngài nhận rõ được tâm chân thật ngay nơi thân sanh diệt này và sống tùy duyên với mọi hoàn cảnh mà vẫn an lạc, không bị mất mình, luôn làm chủ được mình. Hơn nữa thiền tông Việt Nam và đặc biệt là thiền tông đời Trần mang đậm nét bản sắc dân tộc Việt Nam, không ngoại lai với thiền tông các nước khác. Điều này sẽ giúp cho người dân Việt dễ tu, dễ nhận ra được yếu chỉ của chư Tổ Việt Nam truyền thừa lại. Bởi người Việt thì dễ hội nhập với ngôn ngữ, với sinh hoạt, với nền văn hóa và tinh thần của dân tộc hơn, do đó dễ giáo hóa.

Con đường Hòa thượng đi rõ ràng như vậy. Thời Trần các vị vua Trần cũng như các quan chức cao cấp đều là Phật tử hiểu đạo, ngộ đạo. Như thế chúng ta mới thấy được tinh thần Đại thừa, gọi là Bồ-tát đạo, tu trong mọi lúc mọi thời. Tu bằng cách nào? Thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ lên, soi thủng bóng tối vô minh, đừng để nó che lấp cái tâm chân thật của mình. Được như vậy mới hợp đạo, mới giải thoát ngay trong lòng cuộc đời. Cho nên tinh thần thiền tông đời Trần là tinh thần tu tập vừa ly thế mà vừa nhập thế. Ly là lúc hạ thủ công phu phải ly, cho nên có năm năm lên núi tu khổ hạnh ở Trúc Lâm. Nhưng sau đó phải hòa lẫn với cuộc đời để giúp mọi chúng sanh cùng thoát khỏi mê lầm khổ đau, đó là thời gian Ngài đi vào nhân gian khuyên dân chúng tu Thập thiện, phá bỏ các dâm từ v.v... Khi đất nước lâm nguy, từ vua quan sĩ thứ đến toàn dân không trốn tránh trách nhiệm đối với dân tộc, với xã tắc sơn hà. Thiền tông Việt Nam có điểm này được xem như nét đặc thù nhất.

Người Phật tử phải hiểu được hai chữ vô thường Phật dạy. Mọi việc qua nhanh trước mắt như một cơn lốc. Cho nên chúng ta phải tranh thủ tu gấp, đừng hẹn lần hẹn lượt. Ở đây Tổ đưa ra hình ảnh các vị Thiền sư Trung Hoa với cơ phong riêng của mỗi ngài, nhằm đánh thức sự tự giác nơi mỗi chúng ta. Làm sao để mình tự chủ được trước những sự kiện luôn đổi thay đó. Từ những hình tướng, âm thanh sanh diệt mà ta nhận lại được cái bất sanh bất diệt nơi chính mình. Về phần giải thích những giai thoại của các Thiền sư do Sơ Tổ Trúc Lâm dẫn nêu, tôi xin lược trích lại trong lời giảng của Hòa thượng Viện trưởng cho các huynh đệ nhớ.

Thân Bồ-đề, lòng minh kính, bài giơ mặt vách hành lang. Đây nói sự tích Lục Tổ Huệ Năng khi đến với Ngũ Tổ. Ngũ Tổ báo cho chúng biết Ngài tuổi đã già, yêu cầu chúng trình kệ để xét coi ai ngộ, Ngài sẽ truyền y bát. Khi đó chúng nhường cho Thượng tọa Thần Tú trình kệ. Ngài Thần Tú ngại chỗ thấy của mình chưa đến nơi, nên không dám trực tiếp trình với Ngũ Tổ. Ngài viết bài kệ trên vách chùa phía ngoài hành lang:

                        Thân thị Bồ-đề thọ,
                        Tâm như minh kính đài,
                        Thời thời cần phất thức,
                        Mạc sử nhạ trần ai.

        Dịch:
                        Thân như cây Bồ-đề,
                       Tâm như đài gương sáng.
                       Thường phải nên lau chùi,
                       Chớ để dính bụi nhơ.

Khi Ngũ Tổ đọc bài kệ, Ngài biết chưa tới nơi, nhưng muốn cho ngài Thần Tú khỏi mất mặt, Ngũ Tổ khen bài kệ hay quá và hỏi ngài Thần Tú:

- Phải của ông không?

- Dạ của con.

Đã thế, Tổ đánh lừa luôn, nói với đại chúng:

- Bài kệ này hay lắm, các ông phải thắp hương đảnh lễ kính trọng, học thuộc lòng.

Bấy giờ ngài Huệ Năng nghe được bài kệ trên và cũng xin có một bài kệ:

                    Bồ-đề bổn vô thọ,
                    Minh kính diệc phi đài,
                    Bổn lai vô nhất vật,
                    Hà xứ nhạ trần ai.

    Dịch:
                    Bồ-đề vốn không cây,
                    Gương sáng cũng chẳng đài.
                    Xưa nay không một vật,
                    Chỗ nào dính bụi nhơ.

Mọi người khi đọc bài kệ của ngài Huệ Năng thảy đều giật mình. Ngũ Tổ thấy thế sợ có chuyện không hay cho ngài Huệ Năng nên vội vã chùi bài kệ ngay và nói:

- Bài này cũng chưa thấy tánh.

Đó là để đánh lạc hướng trong chúng, tránh cho Lục Tổ không bị hãm hại.

Với cái nhìn của ngài Thần Tú, do bụi bặm che lấp làm cho gương tối. Bây giờ muốn gương sáng phải dẹp hết bụi. Đó là Ngài chỉ thấy bên ngoài mà chưa thấy tận bản chất của gương. Bản chất của gương là gì? Là thủy tinh hay pha lê. Thủy tinh hay pha lê có lúc nào tối đâu, nó luôn sáng, sở dĩ nó không phản chiếu được là vì bụi phủ, chớ bản chất nó là sáng. Lục Tổ thấy tận bản chất của gương là sáng nên nói “xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ”, mà phải lau chùi?

Cũng vậy, tâm chúng ta lúc nào cũng thanh tịnh, nhưng bây giờ còn mờ mịt tối tăm là tại phiền não che phủ. Biết rõ bản chất tâm luôn sáng thì sự tu không mệt, không ngán. Nếu không biết thế cứ chùi hoài không thấy sạch thì chán. Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật”. Tánh Phật là cái sáng sẵn bên trong, như gương bản chất tự sáng sẵn, không phải đợi lau mới sáng. Như vậy hai cái thấy của ngài Huệ Năng và ngài Thần Tú cách xa muôn dặm. Một đằng thấy sự tướng bên ngoài, một đằng nhìn tận bản chất bên trong, thấu suốt được lý Phật tánh sẵn có tự thuở nào, không gì che phủ được. Đó là chúng ta lược qua câu chuyện trình kệ giữa ngài Thần Tú và ngài Huệ Năng.

Vương lão chém mèo, lạt trẩy lòng ngừa thủ tọa; Thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng. Câu chuyện Vương lão chém mèo như sau: Một hôm Vương lão sư tức ngài Nam Tuyền Phổ Nguyện thấy hai chúng ở Đông đường, Tây đường giành nhau một con mèo. Muốn xét coi trong chúng có người nào ngộ đạo không, Ngài mới bảo:

- Nói, nói. Nói được thì tha con mèo, nói không được thì chém con mèo.

Ai nấy ngẩn ngơ, không biết nói cái gì. Buộc lòng Ngài cầm dao chặt con mèo.

Ngài làm như vậy là vì ai? Người sau trách, Ngài tu mà còn phạm tội sát sanh. Tuy nhiên, trong nhà Phật phạm tội sát sanh là khi nào tâm mình nghĩ giết con vật để làm lợi cho mình hay cho người, tức là do ác ý mà hành động để cầu lợi. Ở đây không phải vì lợi lộc, mà vì muốn thấy trong chúng có ai ngộ đạo hay chưa. Nếu có người ngộ rồi, khi Ngài bảo nói nói, tự nhiên người ấy thốt ra một câu hoặc làm một hành động gì, liền cứu được con mèo. Nhưng vì không ai có khả năng đó, nên buộc lòng Ngài mới chém con mèo.

Sau đó Tùng Thẩm tức là Triệu Châu ở ngoài đi vào, ngài Nam Tuyền thuật lại câu chuyện vừa qua và hỏi:

- Giả sử ngươi có mặt lúc đó, thì phải nói sao?

Triệu Châu liền cởi giày đội trên đầu đi ra. Ngài Nam Tuyền bảo:

- Giá khi nãy có ngươi ở đây thì cứu được con mèo.

Thiền sư Triệu Châu cởi giày đội lên đầu mà đi, ý muốn nói chỗ ấy không còn hai bên, không đối đãi, không ngôn ngữ làm sao mà nói. Do Ngài đã thấy tột lý đạo mới làm việc đó. Vì thế ngài Nam Tuyền nói “Giá khi nãy có ông ở đây thì đã cứu được con mèo”. Như vậy để thấy Ngài không có ác tâm muốn giết con mèo, nhưng vì chánh lệnh đã ra thì phải thi hành.

Lạt trẩy lòng ngừa thủ tọa. Vương lão sư chém mèo cốt để làm gì? Cốt để thấy được lòng Thủ tọa của Đông đường và Tây đường. “Lạt trẩy” là dò xét, tức muốn dò xét lòng của những vị Thủ tọa như thế nào? Như vậy việc chém mèo không phải vì mèo, mà vì muốn thử lòng chư Tăng ở nhà Đông và nhà Tây.

Thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng. Thầy Hồ là ngài Tử Hồ, tức Thiền sư Lợi Tung ở núi Tử Hồ, đệ tử của ngài Nam Tuyền Phổ Nguyện. Trước cửa Thiền viện, Ngài có dựng một tấm bảng đề rằng: “Tử Hồ có một con chó, trên cắn đầu, giữa cắn lưng, dưới cắn chân người. Ai do dự thì tan thân mất mạng.” Có vị tăng đến, Ngài liền nói: “Đây có con chó, hãy coi chừng.” Nếu vị tăng không biết nói gì, Ngài đuổi đi ra. Đó là thuật đặc biệt của ngài Tử Hồ, nên nói: Thầy Hồ khua chó. Chữ “khua” là xua đuổi hay là xuýt. Tử Hồ xuýt chó cho người ta giật mình, để làm gì?

Trỏ xem trí nhẹ con giàng. “Trỏ” là chỉ, “con giàng” là con cháu. Tức là chỉ để xem thử trí của con cháu nặng hay nhẹ, cao hay thấp. Vậy ngài Tử Hồ xua chó là để xem những người đến hỏi đạo trí được sâu hay cạn.

Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ư, chẳng cho mà cả; Sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang. Đây là câu chuyện của Thiền sư Hành Tư ở núi Thanh Nguyên. Có vị tăng đến hỏi:

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Ngài liền đáp:

- Gạo ở Lư Lăng giá bao nhiêu?

Tuy hỏi giá bao nhiêu nhưng không cho mặc cả, trả giá mắc rẻ. Câu hỏi này nhằm làm cho thiền khách bặt đường suy nghĩ, chứ chẳng hỏi để tính toán giá gạo mắc rẻ.

Sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang. Chữ “sở” là chỗ nơi, “hết tấc” là rất mực. Khôn đến thưa đang là khó đến thưa hỏi. Nghĩa là chỗ Thạch Đầu đá rất trơn, khó đến thưa hỏi. Thạch Đầu là Thiền sư Hy Thiên ở Thạch Đầu. Nếu có người đến hỏi đạo, Ngài trả lời ít ai nhận hiểu được. Nên ở đây nói chỗ Thạch Đầu đá trơn.

Nguyên ngài Đặng Ẩn Phong là đệ tử Mã Tổ Đạo Nhất, nghe nói ở Thạch Đầu có những cái kỳ đặc mới xin Mã Tổ đến Thạch Đầu tham vấn. Mã Tổ bảo:

- Đường Thạch Đầu trơn.

Ẩn Phong liền thưa:

- Con có cây gậy tùy thân, gặp trường thì đùa.

Tức gặp việc thì đùa chơi, không có gì quan trọng. Ẩn Phong đến Thạch Đầu đi nhiễu giường thiền một vòng, chống tích trượng hỏi:

- Là tông chỉ gì?

Ngài Thạch Đầu bèn nói:

- Trời xanh! Trời xanh!

Ẩn Phong không đáp được, trở về trình Mã Tổ. Mã Tổ bảo:

- Ngươi nên đi lại bên ấy, nếu Thạch Đầu nói “Trời xanh! Trời xanh!” thì ngươi “Hư! Hư!”.

Ẩn Phong lại đi đến Thạch Đầu làm như trước. Thạch Đầu bèn “Hư! Hư!”. Ẩn Phong không đáp được, lại trở về trình Mã Tổ. Mã Tổ bảo:

- Ta đã nói với ngươi “đường Thạch Đầu trơn”.

Đó là câu chuyện nói chỗ Thạch Đầu đá rất trơn, đến đó thưa hỏi không được.

Phá Táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần miếu, Câu Chi day ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang. Phá Táo cất cờ là nói về ngài Phá Táo Đọa. Ngài là một Thiền sư thuộc hệ Ngưu Đầu, một hôm cùng vài đồ đệ đi ngang cái miếu ở núi Tung Sơn, thấy người ra vào miếu cúng kiến rất đông, mỗi người mang theo bò heo gà vịt để cúng cho thần miếu. Họ nói trong miếu có thờ ông thần táo rất linh thiêng, ai cầu điều gì cũng được. Ngài vào miếu thấy ông táo, tức cái bếp đắp bằng đất được thờ kính rất trọng. Ngài liền cầm cây gậy gõ vào ông táo nói:

- Đây là đất nước gió lửa hợp thành, linh thiêng từ đâu đến?

Xong Ngài đập một cái, ông táo bể nát rơi xuống. Cho nên người ta gọi Ngài là Phá Táo Đọa, tức là đập ông táo rơi. Còn nói phá Táo cất cờ là vì trong miếu thờ thần táo có treo tràng phan bảo cái, bây giờ đập ông táo bể nát, cờ xí cũng dẹp hết không còn. Đạp xuống dấu thiêng thần miếu, nghĩa là đạp xuống làm cho sự linh thiêng của ông thần táo ở miếu không còn nữa.

Khi đập ông táo rồi, Thiền sư đi ra, những người thờ kính thần táo nghĩ thế nào Ngài cũng bị thần quở hộc máu chết, nhưng không có chuyện gì xảy ra. Giây lát có một người mặc áo xanh đến trước mặt Ngài quì lạy và thưa:

- Con là thần táo, nhờ ơn Hòa thượng độ nên con hết nghiệp làm thần táo, được sanh về cõi trời. Con đến đây tạ ơn Hòa thượng.

Thần táo mê lầm nên chấp cái bếp là mình. Cái bếp vốn do đất nhồi với nước đắp thành, hơi ấm là lửa, khoảng trống thông thoáng là gió, như vậy đủ bốn thứ đất nước gió lửa hợp thành. Vậy mà thần táo bám vào bếp đất cho là mình linh thiêng rồi tác oai tác phúc với thiên hạ. Nên Thiền sư chỉ cái bếp là không thật, đập một cái bể nát, lúc đó thần táo thức tỉnh không còn bám vào bếp đất nữa, liền hết nghiệp, sanh về cõi trời. Ông mang ơn ngài Phá Táo Đọa, người đã đánh thức mình, nên đến lễ tạ.

Câu Chi day ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang. Thiền sư Câu Chi, mỗi khi có người đến hỏi đạo, dù hỏi câu gì, Ngài đều đưa ngón tay lên, “day ngón” là đưa ngón tay lên. Tại sao? Vì Ngài dùng theo nếp cũ của ông cha. “Ông ang” là ông cha. Bởi ngài Câu Chi là đệ tử của Thiền sư Thiên Long, trước kia khi đến hỏi đạo, Thiền sư Thiên Long đưa ngón tay lên, ngài Câu Chi ngộ đạo. Cho nên sau này ngài Câu Chi cũng sử dụng thuật đưa lên một ngón tay mỗi khi có ai đến hỏi đạo.

Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại; Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm xá nghênh ngang. Tại sao gọi là “lưỡi gươm Lâm Tế”? Vì ngài Lâm Tế khi có ai đến hỏi đạo, bất cứ câu gì, Ngài đều hét lên một tiếng. Trong nhà thiền nói tiếng hét của Ngài như lưỡi gươm bén chặt đứt hết mọi cố chấp cho người. Ai không biết, khởi sanh giải hội thì tan thân mất mạng.

Nạng Bí Ma là nói về Thiền sư Thường Ngộ ở ngọn Bí Ma thuộc Ngũ Đài Sơn, chỗ ngài Văn Thù hàng phục rồng. Tục truyền rằng Bồ-tát Văn Thù hiện ra để hàng phục con rồng dữ, nên gọi chỗ đó là ngọn Bí Ma. Ngài Thường Ngộ thường chống một cây nạng gỗ ở trên suôn, phía dưới có cháng hai. Mỗi khi Tăng đến lễ bái hỏi đạo, Ngài liền lấy nạng chận trên cổ Tăng và bảo: “Ma quỷ nào dạy ông đi xuất gia. Ma quỷ nào dạy ông đi hành cước? Nói được cũng bị nạng đập chết, nói không được cũng bị nạng đập chết. Nói mau! Nói mau!” Ai đến hỏi đạo với Ngài cũng sợ cú đòn nguy hiểm này. Đó là thuật đặc biệt của ngài Bí Ma.

Trước nạp tăng no dầu tự tại. “Nạp tăng” là chỉ những vị Tăng mặc áo nạp đi hành cước. “No dầu tự tại” là mặc tình đầy đủ, tự tại. Ngài Lâm Tế sử dụng tiếng hét như lưỡi gươm bén, ngài Bí Ma dùng nạng để đè cổ nạp tăng, hai ngài rất tự do tự tại trong việc truyền bá, không có gì ràng buộc được.

Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm xá nghênh ngang. Sư tử ông Đoan là nói Thiền sư Tây Dư họ Đoan ở An Cát Châu. Sư dùng chỉ màu đan thành lốt sư tử, thỉnh thoảng khoác vào người. Sư đến Hoa Đình, lên tòa nói: “Sư tử Linh Sơn la thét trong mây, Phật pháp thật không thể suy lường được”, nên gọi là sư tử ông Đoan.

Thường thường trong nhà Phật lấy hình ảnh sư tử tượng trưng cho chánh pháp. Vì xưa nay truyền rằng giữa rừng sâu, trong các loài thú sư tử là chúa tể. Tất cả thú vật đều sợ oai phong của nó, kể cả voi to cũng phải khiếp vía mỗi khi nghe tiếng sư tử rống. Do đó nhà Phật mượn hình ảnh sư tử dụ cho chánh pháp để nói giáo lý của Phật đà là chân lý, không ai có thể bẻ gãy được. Tất cả tà pháp ngoại đạo gặp Phật pháp đều bị đổ vỡ, đều bị hàng phục.

Trâu thầy Hựu, tức là con trâu của Hòa thượng Linh Hựu ở Quy Sơn. Ngài Quy Sơn Linh Hựu khi sắp tịch có nói:

- Sau khi tịch, lão tăng sẽ sanh ở dưới chân núi làm con trâu, trên lưng có dòng chữ ‘Quy Sơn Tăng Linh Hựu’. Khi ấy các ngươi gọi Quy Sơn Tăng Linh Hựu là đúng hay gọi con trâu là đúng?

Đây là điểm kỳ đặc của Ngài. Chúng ta lâu nay luôn thấy người vật cao thấp khác nhau. Nhưng chỗ chân thật cứu cánh không hai, người và muôn vật đều có Phật tánh bình đẳng. Khi nghe Thiền sư nói thế, nhiều người tưởng Ngài chết thành trâu thật, rồi theo đó phản đối việc tu hành, nhất là tu thiền. Đó là vì họ không hiểu thôi. Lối nói của ông Đoan và của thầy Hựu cốt để Răn đàn việt hượm xá nghênh ngang, “hượm” là dừng tức là răn người Phật tử dừng, chớ nên nghênh ngang.

Đưa phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn; Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang. Đưa phiến tử là đưa cây quạt lên. Thiền sư Văn Yển ở Vân Môn một hôm thăng tòa, đưa cây quạt lên nói: “Cây quạt này nhảy lên cung trời Tam thập tam, đập vào mũi Đế Thích. Con cá lý ngư ở biển Đông bị đánh một gậy, mưa như cầm chĩnh mà đổ, hiểu chăng?” Nói xong, Ngài hỏi: Các ngươi hiểu chăng? Vậy chúng ta có hiểu hay không? Câu này giống như câu thần chú, không có gì để hiểu. Ngài nói một câu không biết đầu đuôi gốc ngọn, chỉ cốt đưa cây quạt lên. Chúng ta lo đọc câu thần chú mà không hiểu việc đưa cây quạt lên, cho nên bị lời của các Thiền sư lừa là ở chỗ đó.

Cất trúc bề là giơ cây trúc bề lên, trúc bề là thiền trượng. Thiền sư Quy Tỉnh đến tham vấn với Thiền sư Tỉnh Niệm. Ngài Tỉnh Niệm đưa cây trúc bề lên hỏi:

- Gọi trúc bề thì phạm, không gọi trúc bề thì sai, thế thì gọi là cái gì?

Quy Tỉnh giựt cây trúc bề ném xuống đất nói:

- Là cái gì?

Ngài Tỉnh Niệm bảo:

- Mù.

Quy Tỉnh liền ngộ.

Hai cách: Một bên đưa cây quạt lên nói một câu giống như đọc thần chú, một bên đưa trúc bề lên bảo: Nói trúc bề thì phạm, không nói trúc bề thì sai, vậy nói cái gì? Đây chỉ cốt đưa người đến chỗ bí, gặp người gan dạ thì phải làm gì? Mục đích của Thiền sư là nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn. Các ngài muốn nghiệm xem cơ quan người học đã nhẹ sạch chưa, tức là đối với sáu căn người học đã nhẹ, đã thông suốt hay chưa? Nếu ngay đó liền ngộ tức là đã nhẹ, đã thông suốt rồi.

Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang. Xô hòn cầu, đây là trường hợp của Huyền Sa Sư Bị hỏi ngài Tuyết Phong Nghĩa Tồn:

- Hiện nay trong đại chúng, Hòa thượng phải làm sao?

Ngài Tuyết Phong lấy ba trái cầu gỗ đồng thời ném ra, Huyền Sa làm thế chụp. Ngài Tuyết Phong bảo:

- Người hiện ở hội Linh Sơn mới được như vậy.

Đó là lời khen ngài Huyền Sa: Ông có mặt ở hội Linh Sơn nên mới làm được việc này.

Trong nhà thiền có những thuật kỳ đặc như vậy.

Cầm mộc thược. Mộc thược là cái duộc gỗ, giống như cái gáo. Chưa tìm ra sự tích của câu chuyện này.

Bạn thiền hòa chước móc khoe khoang. Bạn thiền hòa là những người bạn trong nhà thiền, chước móc là mưu mẹo. Tức là hai vị xô hòn cầu, cầm mộc thược dùng mưu mẹo để khoe khoang.

Thuyền Tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịn tẩy; Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng. Thuyền Tử rà chèo, Thuyền Tử là Thiền sư Đức Thành đưa đò ở bến Hoa Đình, còn gọi là Hoa Đình Thuyền Tử, là đệ tử của ngài Dược Sơn, được thầy truyền tâm ấn, là bạn đồng học với Vân Nham Đàm Thạnh và Đạo Ngô Viên Trí. Ngài không chịu đi giáo hóa, thích nơi sơn thủy nên thơ, đến bến Hoa Đình sắm một chiếc thuyền nhỏ đưa đò qua lại, tùy duyên độ nhật. Trước khi đi Ngài có dặn Đạo Ngô:

- Sau này sư huynh thấy có người nào lanh lợi kỳ đặc, giới thiệu đến với tôi.

Một hôm, Đạo Ngô đến chỗ Thiện Hội đang lúc đăng đàn thuyết pháp. Có vị Tăng hỏi:

- Thế nào là pháp thân?

Thiện Hội đáp:

- Pháp thân không tướng.

Hỏi:

- Thế nào là pháp nhãn?

Đáp:

- Pháp nhãn không vết.

Đạo Ngô chợt phát cười.

Sau buổi giảng Thiện Hội thưa:

- Vừa rồi tôi có đáp câu hỏi của Tăng, có chỗ nào sai trái xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

Đạo Ngô bảo:

- Nếu nói về hiểu Phật pháp, Thầy là bậc nhất, còn yếu chỉ xuất thế thì chưa có Thầy.

Tức là về ngộ thiền thì chưa được. Thiện Hội thưa:

- Vậy tôi phải làm sao, mong Hòa thượng chỉ dạy.

Đạo Ngô bảo:

- Tôi không nói, tôi giới thiệu ông đến chỗ Hoa Đình Thuyền Tử, ông ấy sẽ chỉ cho ông.

Thiện Hội giải tán chúng, đi thẳng đến chỗ Hoa Đình.

Thuyền Tử bảo:

- Thả ngàn thước tơ ý ở đầm sâu, lìa lưỡi câu ba tấc, nói mau, nói mau!

Khi Thiện Hội vừa mở miệng, bị Thuyền Tử đánh một chèo té xuống nước. Thiện Hội mới leo lên thuyền, Sư lại thúc:

- Nói! Nói!

Thiện Hội vừa mở miệng, lại bị Sư đánh. Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ. Thuyền Tử Đức Thành dùng phương tiện đánh Thiện Hội té xuống nước, nhân đó Thiện Hội được ngộ.

Câu chuyện Thuyền Tử rà chèo tức là Hoa Đình Thuyền Tử chèo đò để được thong thả vui thích trên sông nước, nhưng dòng xanh chửa cho tịn tẩy. Tịn là tận, là sạch, tịn tẩy là rửa sạch. Tuy Thuyền Tử muốn thong thả vui sống trên giòng sông Hoa Đình, nhưng còn nợ phải độ người đệ tử là Thiện Hội.

Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng. Đạo Ngô tức là Thiền sư Viên Trí, mỗi khi lên tòa thuyết pháp, đầu đội mũ hoa sen, vai vác cây kiếm, tay cầm cái hốt múa.

Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ; Rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang (giương). Thiền sư Vân Môn Văn Yển đưa cây gậy lên bảo chúng: “Cây gậy hóa rồng nuốt hết càn khôn, thì sơn hà đại địa ở chỗ nào?” Nay chúng ta chỉ chỗ nào, nói thẳng một câu xem! Tôi chờ chư huynh đệ hoá rồng rồi hãy nói. Ta xem chỉn lệ, nghĩa là chúng ta xem chỉ sợ thôi, chứ không nói gì được.

Rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang (giương). Thiền sư Nghĩa Tồn ở Tuyết Phong thượng đường nói: - Núi Nam có một con rắn to, hết thảy các ông đều phải khéo xem.

Trường Khánh bước ra thưa:

- Hôm nay trong nhà này có người tan thân mất mạng.

Vân Môn lấy cây gậy ném trước Tuyết Phong, rồi ra bộ sợ chứ không nói gì.

Người thấy ắt giang, chữ giang là giương, tức là đồn đại. Người thấy ắt sẽ đồn đại rùm lên.

Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái Bạch; Bính Đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng Thiên Cang. Cây bách là lòng, Triệu Châu Tùng Thẩm khi có người tới hỏi: - Thế nào là Phật? Ngài liền chỉ: - Cây bách trước sân. Thác ra trước phải phương Thái Bạch. Thác là lầm, phương Thái Bạch là chỉ phương Đông. Khi người hỏi: Thế nào là Phật, Triệu Châu chỉ cây bách trước sân là cốt chỉ tâm, chỉ cái hay thấy của mình. Nhưng người hỏi không nhận ra cái ấy lại lo nhìn cây bách nên nói lầm, tức Thiền sư nói đàng Tây mà người hỏi hiểu đàng Đông.

Bính Đinh thuộc hỏa. Nguyên có sự tích như sau: Thiền sư Tắc làm Giám viện, gọi là Giám viện Tắc, ở trong hội Pháp Nhãn đã lâu, mà không thưa hỏi. Pháp Nhãn hỏi:

- Giám viện Tắc sao không vào thất?

Sư thưa:

- Con ở chỗ Thanh Lâm đã có chỗ thâm nhập.

Pháp Nhãn bảo:

- Ông thử vì ta cử xem.

Sư thưa:

- Con hỏi: Thế nào là Phật? Thanh Lâm đáp: Đồng tử Bính Đinh đến xin lửa.

Pháp Nhãn bảo:

- Lời khéo, ngại ông hiểu lầm, nên nói lại xem.

Sư thưa:

- Bính Đinh thuộc về lửa, đem lửa đi xin lửa, như con là Phật lại đi tìm Phật.

Pháp Nhãn bảo:

- Giám viện quả nhiên hiểu lầm rồi.

Tắc bỏ đi, thời gian sau trở lại. Pháp Nhãn bảo:

- Ông hỏi ta, ta sẽ vì ông đáp.

Tắc hỏi:

- Thế nào là Phật?

Pháp Nhãn đáp:

- Đồng tử Bính Đinh đến xin lửa.

Tắc đại ngộ.

Bính Đinh thuộc về lửa mà mình không nhận ra, lại đi tìm ở đâu, cho nên lại trở sau lỗi hướng Thiên Cang. Thiên Cang là hướng Bắc. Nghĩa là người ta nói phương Nam, mình lại tìm ở phương Bắc, vì vậy không hiểu được ý nghĩa của Bính Đinh.

Trà Triệu lão, bánh Thiều Dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát; Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang. Trà Triệu lão là trà của Triệu Châu. Khi có khách đến, Ngài hỏi:

- Từng đến đây chưa?

Khách thưa:

- Từng đến.

Ngài bảo:

- Uống trà đi!

Lại có người đến, Ngài cũng hỏi:

- Từng đến đây chưa?

Thưa:

- Chưa từng đến.

Ngài cũng mời:

- Uống trà đi!

Tri sự lấy làm lạ, mới hỏi:

- Người đã từng đến Hòa thượng mời uống trà, người chưa từng đến Hòa thượng cũng mời uống trà, là tại sao?

Ngài gọi:

- Tri sự.

Tri sự:

- Dạ!

Ngài bảo:

- Uống trà đi!

Cho nên gọi là trà Triệu lão, vì gặp ai Ngài cũng mời uống trà.

Bánh Thiều Dương là bánh của Vân Môn. Mỗi khi có ai đến, Ngài thường đưa cái bánh lên mời ăn.

Triệu Châu mời uống trà, Vân Môn mời ăn bánh, nên gọi là trà Triệu lão, bánh Thiều Dương. Bầy thiền tử hãy còn đói khát, tức là những người đi học thiền tuy được mời uống trà, được cho ăn bánh mà vẫn còn đói khát.

Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang. Ở Tào Khê chỗ của Lục Tổ Huệ Năng có ruộng nhiều, ở Thiếu Thất chỗ của Tổ Đạt Ma có vườn lớn, thế mà chúng nạp tăng, tức là những thầy tu thiền vẫn còn để nó hoang phế, chưa biết chăm sóc gì cả.

Tóm lại, hai câu này muốn nói: Triệu Châu đãi trà, Thiều Dương mời bánh, mà chúng ta vẫn đói khát. Tào Khê có ruộng, Thiếu Thất có vườn, mà chúng ta lại bỏ hoang. Chư Tổ trước kia đã đem hết tâm tư chỉ dạy, thế mà chúng ta vẫn lơ là để đến nỗi thiền phải bị lu mờ, đó là lỗi nơi chúng ta.

Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nát; Lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang. Gieo bó củi là câu chuyện Thiền sư Tuyết Phong lúc còn đi tham vấn, đến Động Sơn, Động Sơn bảo:

- Vào cửa phải có lời nói.

Sư đáp:

- Con không có miệng.

Động Sơn bảo:

- Không có miệng phải hoàn con mắt cho ta.

Sư im lặng, gieo bó củi trước Động Sơn. Động Sơn hỏi:

- Nặng nhiều ít?

Sư thưa:

- Người cả thiên hạ nâng không nổi.

Đó là sự tích gieo bó củi của Tuyết Phong đến hỏi đạo với Động Sơn. Còn sự tích nẩy bông đèn chưa tìm ra. Gieo bó củi, nẩy bông đèn, mục đích để làm gì? Nhân mang mới nát, đây là nói về thiền, do sự ôm ấp trong lòng lâu ngày, hôm nào chợt vỡ ra mới nát khối nghi.

Lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang. Linh Vân là đệ tử của Tổ Quy Sơn nhìn thấy hoa đào nở liền ngộ. Hương Nghiêm nghe tiếng vang của hòn sỏi chạm vào cành trúc liền xong. Cho nên mặc vẻ mà sang. Một người thấy hoa đào nở, một người nghe tiếng trúc vang đều ngộ nên thầm lặng mà tươi sáng.

Như vậy trong hội thứ chín này, Sơ Tổ Trúc Lâm dẫn nhiều sự tích của các thiền sư. Tất cả hình ảnh này nói lên mỗi thiền sư có một lối chỉ dạy khác nhau, nhưng mục đích cứu cánh không khác. Cốt làm cho hành giả nhận ra tâm chân thật, mà không cho chúng ta dựa vào bất cứ phương tiện nào suy nghĩ phân biệt. Do đó ở đây hành giả chỉ tu mới đạt được kết quả chứ không thể học hiểu suông và dùng thức tình mà suy lường chỗ cứu cánh ấy được.

Học hội thứ chín này rồi, chúng ta đều phải nhớ phát tâm tu, chớ chần chờ qua đi cơ hội tốt. Chuyên tâm chuyên tu cho tới ngày viên mãn, không có nghi ngờ gì. Người tu không khéo sẽ loay hoay không có lối thoát cũng như người đời. Điểm này người tu chúng ta phải quan tâm, ai mê tâm không làm chủ được thì vướng mắc. Không luận là đệ tử Phật, xuất gia hay tại gia gì, mê không làm chủ được thì vướng mắc.

Chúng ta phải tu như thế nào để mình làm chủ được, phải hành đạo như thế nào để giữ vững được lý đạo, giữ được giềng mối của đạo, làm lợi lạc cho chính mình cũng như cho tất cả chúng sanh. Đó chính là chủ ý mà Tổ sư muốn truyền dạy lại cho chúng ta.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]