TRỊ BỆNH THAM DỤC

 Trong lúc tu, chúng ta gặp những căn bệnh căn bản như tham, sân, si là những bệnh rất khó trị. Người tu phải biết cách điều phục, để vượt qua và tu tiến. Trước nhất nói về bệnh tham. Tham là gì? Là tham đắm, thích thú. Tham muốn có rất nhiều thứ, không phải một. Nếu không làm chủ được, bước ra ngoài một chút là dính mắc, chạy theo rồi khổ sở. Người tu chỉ nên tham ngồi thiền, tham niệm Phật, tham tu, còn lại những thứ ngũ dục của thế gian thì không được tham.

Nhiều khi ngồi nghiệm lại, tại sao mình phải cạo đầu? Một khi đã biết tu rồi, ở đâu tu không được, hình thức nào tu không được, đâu nhất thiết phải cạo đầu, mặc áo nhuộm, ăn chay, giữ giới luật nhiều như vậy? Tất cả vì sức mạnh của lòng tham. Nếu chúng ta không tự khép mình vào giới luật, vào đời sống phạm hạnh thì khó lòng vượt thoát khỏi sự cám dỗ của nó.

Ở thiền viện có nhiều vị cư sĩ về thăm viếng một ngày, thấy quý thầy trẻ trung, làm việc, tu hành vui quá, họ bảo lần sau con chuẩn bị về đây ở với quý thầy một tháng. Quý thầy hoan hỷ bảo “Tốt lắm, đạo hữu về đây cùng tu với chúng tôi.” Lần sau vị đó đến đúng hẹn, xin ở một tháng. Nhưng mới có nửa ngày, điện thoại di động gọi tứ tung, lúng túng không biết làm sao, mới thưa:

- Thầy cho con gửi cái di động này, chừng nào tu xong con xin lại.

- Chà, tu mà còn treo cái điện thoại di động ở đây, không biết tu có yên không? Nếu đạo hữu nhờ thầy đập hoặc ném cái di động này thì được, chứ nhờ giữ, thầy đâu có giữ chi mấy thứ này. Mai mốt đạo hữu tu xong nhận lại, nó lại diễn tiến tiếp tục nữa, có ăn thua gì đâu.

Được một ngày, hai ngày, tới ngày thứ ba vị đó thưa:

- Bạch thầy con chưa tu được.

- Hôm trước cũng đạo hữu đòi tu, chứ thầy đâu có rủ, bữa nay lại nói không tu được. May mà chưa cạo đầu, nếu cạo đầu rồi còn nhiều việc rắc rối hơn nữa. Bây giờ cư sĩ chỉ giữ năm giới thôi, khi làm tăng giữ tới hai trăm năm mươi giới, rồi thêm năm mươi mấy giới Bồ-tát nữa, gánh một gánh còng lưng luôn.

Cho nên biết việc tu khó khăn vô cùng, chứ đâu phải dễ. Bởi vậy chúng ta mới hiểu tại sao thiền viện có hàng rào, có thanh quy, những người sống ở đây phải cạo tóc, mặc áo nhuộm, thọ giới cụ túc. Đó là vì lòng ham thích không làm chủ được, tâm ngược xuôi giong ruổi, tơ tưởng việc này việc khác, nó sâu dày quá, phải nhờ các hình thức nghiêm cẩn như vậy để khống chế, để khắc trị nó. Về mặt hình thức chúng ta đã choáng váng, đến nội dung lại càng khó hơn. Vì vậy tìm cách để trị cho được tham dục thì thật là cay đắng.

Trong kinh nói: Nếu tâm tham đắm dục lạc của ông không dừng được thì ông không thể vào đạo. Không vào đạo được chứ đừng nói chuyện tu, chuyện hành đạo. Do đó chúng ta phải hết sức nỗ lực, hết sức quyết tâm mới có thể giữ được chí nguyện ban đầu của mình. Nhiều người thấy khó quá, cứ trượt lên trượt xuống hoài, đâm ra chán nản không muốn tu nữa. Hoặc nếu còn tu thì xoay qua cầu nguyện. Cầu nguyện Phật giúp cho con. Mỗi đêm lạy Phật cầu nguyện, khẩn thiết khóc lóc, trình bạch con tu trượt tới trượt lui, khó khăn vô cùng, nhờ ngài hộ trì cho con tu được.

Bấy giờ thương lắm Phật chỉ cho mình phương pháp tu thôi, chứ ngài đâu thể tu thế cho ta được. Chính chư Phật và Bồ-tát cũng phải trải qua vô lượng kiếp cần khổ tu hành, nếm trải vô cùng vô tận những khó khăn cay đắng mới thành tựu được đạo quả. Tóm lại, chúng ta phải đối đầu với chính mình, không thể lẩn tránh hay chạy quanh, không thể mong đợi hoàn toàn vào sự hỗ trợ giúp đỡ từ bên ngoài, mà bản thân không nỗ lực, không quyết tâm khắc trị tham sân si của mình.

Đương đầu với sự khó khăn trong lúc tu hành, chúng ta phải làm sao? Chỗ này nếu ta không tỉnh táo nhận thấy rõ ràng thì dễ trở thành người yếu đuối. Hòa thượng Tôn sư từng răn nhắc chúng tôi: “Mấy chú không khéo trở thành yếu đuối”. Nhiều người hồi nhỏ không yếu đuối, tới lớn tuổi lại yếu đuối. Yếu đuối ở đây không phải bệnh yếu, chân yếu, răng yếu mà tinh thần yếu. Vì vậy trông chờ ỷ lại vào người khác hay ngoại duyên bên ngoài. Đây là một trở ngại lớn trong công phu tu tập của chúng ta.

Đối với bệnh tham dục, chúng ta phải trực tiếp trị nó, chứ không được ỷ lại, vì không ai có thể trị được cho mình cả. Chúng ta luôn nhớ lời Phật dạy: Nếu tâm dục mà còn thì không thể vào đạo được. Còn tâm dục thì còn máy động, còn dấy khởi, lăng xăng ngược xuôi việc này việc khác, làm sao vào đạo được. Đạo ở đây là sự thanh tĩnh, yên lắng, giải thoát. Nếu người lăng xăng vướng mắc đủ thứ hết làm sao mà vào đạo. Cho nên Phật nói nếu còn tâm dục thì không thể vào đạo. Bây giờ chúng ta nghiệm lại xem mình còn tham nhiều hay ít? Nếu còn nhiều phải có cách trị cho nó giảm bớt. Phần này mỗi người tự chiêm nghiệm, kiểm soát, xem công phu tu hành hằng ngày của mình như thế nào để có hướng giải quyết cho đúng đắn.

Có lần huynh đệ chúng tôi leo núi. Những đoạn đường đã sắp đặt thì có cấp bước lên không sợ trượt, còn đoạn đường nào chưa thành hình, những người khoẻ mạnh mới dám đi, các anh em yếu phải bò mà trèo lên. Một huynh đệ hơi nặng ký, bước lên cục đá nó quay lăn. Trên núi đá quay lăn dễ sợ lắm. Nếu cục lớn, nó lăn xuống đụng vách đá bên đây cái đùng, dội qua vách đá bên kia cái ầm, cứ thế dội qua dội lại trông khủng khiếp luôn. Nếu dưới núi có người đi lên thì nguy hiểm vô cùng, khó biết tránh chỗ nào. Bấy giờ đoàn người leo núi và luôn cả vị bị trượt đá niệm Phật liên tục. Tôi nói: “Ủa làm gì mà mình sợ dữ vậy! Không có ông nào theo cục đá lăn xuống hết, chỉ mới trượt thôi rồi bám lại được, cục đá nó lăn một mình”. Mấy anh em ngồi lại nghỉ, bỗng dưng thấy tức cười, bữa nay tự nhiên thiền bọng mất hết, niệm Phật tá lả. Tôi nói vui: “Mình tu hành nghiêm túc, miên mật, luôn luôn có Phật, Bồ-tát gia hộ, hở một cái mình kêu Phật, kêu Bồ-tát Quán Thế Âm. Không biết các ngài ở đâu nhưng vẫn cứ kêu. Vì lòng từ bi Phật, Bồ-tát không nỡ bỏ mấy ông thầy đang hết hồn hết vía, ôm ngực thở hổn hển đây.”

Sự kiện xảy ra như vậy, anh em ngồi lại suy gẫm, thật là chỗ tu hành của mình chưa có gì dính dáng. Bởi vì chúng ta còn ỷ lại nơi Phật Bồ-tát bên ngoài. Nếu có dính dáng thì ta đã không ỷ lại, lúc đó mình bình thường, chủ động, trầm tĩnh tìm cách đối phó với hoàn cảnh, chứ không sợ hãi như thế. Tu thiền thì phải định. Hành giả có công phu thiền định vững vàng không cầu cạnh gì cả, tâm rỗng rang sáng suốt, có động tịnh gì đều biết rõ và bình thản xử trí. Công phu nếu không tốt, bên trong còn những tình trạng chưa ổn định, khi đối duyên xúc cảnh, chúng ta mất tự chủ, không giải quyết được vấn đề một cách sáng suốt và tự tin được.

Chuyện leo núi gặp trở ngại một chút thôi còn như thế, hà huống đến lúc miệng méo mắt trợn không thể nào thở nổi nữa, không biết mình sẽ niệm cái gì? Lúc đó không kịp niệm gì hết, chỉ lo bảo vệ cái bản ngã thôi. Bảo vệ bằng cách nào? Có người la làng, kêu cứu, vật vã chống chọi lại tử thần, sợ mất thân này. Cho nên các bậc tôn túc nói những gì bình nhật chúng ta có sở trường thì lúc lâm nguy mới dùng được. Một vị tướng ra trận đánh nhau bằng gươm giáo, bình thường đã tập dượt thuần thục với cung kiếm, do vậy khi ra chiến trường là chỗ chết, chỗ chí nguy họ sử dụng cung kiếm liên tục, sử dụng một cách thuần thục. Ngược lại, người nào cầm gươm liệng gươm, cầm giáo liệng giáo, vỗ ngựa mà chạy thì thôi, người đó không phải là tướng giỏi. Chúng ta tu hành cũng vậy, hằng ngày công phu thế nào, thuần thục những gì thì khi chí nguy ta mới sử dụng được.

Muốn dùng được sở trường đặc biệt của mình một cách thuần thục, ngay bây giờ mình phải chuẩn bị, làm sao nắm chắc trong tay, chứ còn mơ hồ, loay hoay lẩn quẩn với toan tính chuyện nọ chuyện khác, tới lúc chí nguy thật khó khăn vô cùng. Nhiều người ỷ lại mình tu kết duyên, tới lúc lâm nguy nhờ quý thầy tới khai thị để đi theo Phật, nắm tay các vị thiện hữu tri thức mà bước lên con đường sáng. Làm sao có thể tin chắc như vậy, biết lời khai thị lúc đó có thấu vào đầu mình nổi không? Hay là sợ chết, đau nhức, rên la, hoảng sợ… Có người huynh đệ bị ung bướu, tới lúc sắp chết, chúng tôi nhắc niệm Phật, ông nổi sân la làng: “Niệm niệm cái gì, đau muốn chết!” Dường như la làng là cái thuần thục nhiều đời của ông hay sao? Thành thử bây giờ, đối với tham đắm dục lạc, chúng ta phải tìm cách trị nó.

Trên đời này không ai tham giống ai. Nhưng dù tham kiểu nào, tham cái gì cũng dẫn tới đau khổ. Cho nên chúng ta phải ráng tu, làm sao có đạo lực, gầy dựng được nền tảng vững chắc, không nên để ngày qua ngày. Nếu cứ để ngày qua ngày lơ lửng, lửa tham dục dẫn đến mất thiện tâm, không thực hành được chánh pháp, bị rớt vào sinh tử thống khổ triền miên. Nếu chúng ta cứ để cho lòng ham thích ngược xuôi giong ruổi, thì khó chiến thắng được nghiệp tham, nhất định sẽ đoạ vào ác đạo, khổ sở vô cùng. Làm sao ngay trong đời này mình đầy đủ thiện tâm, không quên hành trì thiện pháp, hiện đời cũng như nhiều đời không bị rơi vào ác đạo.

Rơi vào ác đạo khó tu lắm. Bây giờ chúng ta được thọ thân người rất dễ tu, để cho rớt vô địa ngục hoặc đi trong các chủng loại súc sinh thì khó tu vô cùng. Ví dụ như loài trâu bò mang kéo nặng nề, chúng cũng có trí tuệ, nhưng không biết làm sao phát huy. Người ta bắt kéo cày đã khổ nhọc rồi lại còn bị xẻ thịt nữa, đau đớn cùng đồ như vậy, làm sao mà tu? Có nhiều con trâu kéo cày kéo xe nặng đến đỗi cái cổ sưng lên, nhưng kéo thì vẫn cứ kéo. Nếu đi không nổi người ta đâm bằng cây có đóng đinh dài, đâm lút vô trong đùi, làm cho nó phải bươn tới. Nhiều con vật làm việc, bức thở tại chỗ. Rơi vào trong những lớp ấy thì thật là bất nhẫn. Ngay trong lúc bị người ta hành hạ như vậy, liệu xem có tu được không? Cho nên cần phải dè dặt, siêng tu tập để được chuyển thân trên con đường sáng, đừng để rơi vào các loài tối tăm như thế, khổ không biết kể sao cho vừa, thì nói chi đến chuyện tu. Khó! Khó lắm.

Chúng sinh tiếp cảnh mê cảnh quên tâm, do vậy tạo nghiệp vô vàn. Thân miệng ý tương tác lên nhau, ý chủ đạo bên trong, khiến miệng nói thân làm. Năm tháng chồng chất từ đời này sang đời khác, tạo không biết bao nhiêu là nghiệp. Song nhờ có duyên lành, mình được gặp Phật pháp, cho nên bây giờ cần nhắc nhở nhau ráng tu. Mỗi vị đều nên phát nguyện, đời này không bỏ mất thiện tâm, siêng hành trì Phật pháp, để đời sau không bị rơi vào các đường khổ như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Rơi vào những con đường ấy thì tu hành khó lắm. Khổ lại càng khổ.

Kể từ giây phút bị lọt vào kiếp địa ngục, ngạ quỷ, tội nhân luôn bị hành hình, bị thiêu đốt. Thân tâm bị thiêu đốt, áo quần bị thiêu đốt, thức ăn bị thiêu đốt, không gian cũng bị thiêu đốt… tất cả các thứ đều bị thiêu đốt hết. Đó là gì? Là do nhiều đời kiếp lòng tham nung nấu, không huân tạo được công đức lành, nên bị quả báo thiêu đốt như thế. Quý vị thử tưởng tượng, mình nấu cơm lỡ một que lửa chạm vô tay cháy sém da, ta đã nghe đau rát rồi, huống là ruột gan thân thể đều bị thiêu đốt! Khổ sở đau đớn biết dường nào? Trong cảnh như vậy, liệu mình có nhớ đại nguyện hay không, hay kêu trời kêu Phật cứu? Do vậy ngay bây giờ phải tu, làm sao đừng để có một nhân nhỏ xíu nào khiến ta rơi vào một trong các loài đó.

Chúng ta phải phát tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả tu tạo công đức, gìn giữ thiện tâm, cứu hộ mình và người không để rơi ba đường ác. Hỏa ngục thật ra là gì? Là những nóng nảy, bức xúc của mình. Như mình tham quá, muốn được thứ gì mà người khác lấy mất, ta nghe nóng bức lên, tức giận lên, sôi sục lên. Đó là đang bị lửa tham đốt. Lửa này đốt hết tâm can da thịt, đốt luôn cả tâm Bồ-đề của chúng ta. Nó thiêu rụi hết công đức, làm ta quên đi những lời nguyện.

Nói tới lửa này chúng ta nhớ chuyện thân mẫu của tôn giả Mục-kiền-liên là bà Thanh Đề. Khi ngài chứng thánh quả, được thần thông bậc nhất, biết mẹ rơi vào trong cảnh khổ. Ngài nhớ mẹ và đi tìm. Thấy mẹ đang bị hành hạ trong loài ngạ quỷ, bị đốt bị thiêu khổ sở vô kể. Từ khi rơi vào đó bà chưa từng ăn gì nên đói khát vô cùng. Ngài đi khất thực rồi vận thần thông vào địa ngục dâng bát cơm cho mẹ. Bát cơm của một vị thánh công đức biết bao nhiêu, thế nhưng bà nổi tâm tham, sợ chúng quỷ ăn hết của mình nên lấy tay che lại, vì vậy bát cơm bốc thành lửa dữ.

Tại sao bát cơm bốc thành lửa? Vì lòng tham của người sử dụng bát cơm. Cho nên cả bà và những người chung quanh không ai ăn được hết, chỉ thấy lửa đốt mà thôi. Tôn giả Mục-kiền-liên chứng kiến cảnh ấy trở về bạch với đức Phật. Phật dạy chỉ có tâm giác ngộ của Phật cùng với tâm từ bi vô lượng vô biên của các bậc đại thánh mới cứu được cái khổ này. Từ đó đức Phật chỉ cho tôn giả Mục-kiền-liên cách làm lễ Vu-lan. Nhờ vào tâm lực, đạo lực của toàn thể thánh chúng cùng hướng về chú nguyện cho bà chuyển tâm, tự thay đổi lòng keo sẻn. Ngay nơi đó bà phát tâm lành nên mới thoát khỏi khổ hình. Những tội nhân ở đó cũng nhờ phước chú nguyện này mà đều thoát khỏi địa ngục. Rõ ràng tất cả từ tâm của chúng ta mà ra.

Bây giờ trở lại chỗ tu hành của chúng ta. Thấy biết là chân tâm, nghe biết là chân tâm, chạm xúc biết là chân tâm, ngửi biết là chân tâm, lưởi nếm vị biết là chân tâm, và ý biết bên trong cũng là chân tâm. Chân tâm đó hiện tiền và trùm khắp. Vào được chỗ đó thì nói gì hỏa ngục, tham đắm, mắc míu, những sự khổ đau, tất cả đều tiêu tan hết. Tiêu tan như thế nào? Thật ra tiêu tan là một cách nói thôi, vào được chỗ đó, với tâm định thì mọi thứ không thể tác động đến ta nữa, nên nói tiêu tan. Dưới con mắt của người đã chứng đạo, tâm rỗng rang sáng suốt thì tất cả mắc míu đều tiêu tan hết. Tiêu tan là tiêu tan như vậy, chứ không phải người tu đập phá làm tiêu tan cái gì. Đây là chỗ tu của chúng ta.

Ví dụ người tu thiền tâm được yên, thấy biết là chân tâm thì thấy bất cứ cái gì cũng không bị gây cấn, không bị động. Cảnh bên ngoài không kéo lôi được người ấy. Thường chúng ta thấy đẹp thì thích, thấy xấu thì không thích. Từ thích nổi dậy lòng tham muốn sở hữu. Sở hữu được mắc lo giữ gìn nên khổ. Sở hữu không được thì nổi sân nên cũng khổ. Bây giờ tâm bình yên, cái thấy rỗng rang sáng suốt, không ưa thích hay ghét bỏ nên không có dính mắc, ngay đó được an ổn. Cứ thế, chúng ta tu từng phần, phá hết mọi chấp kẹt nơi sáu căn thì vào được chỗ chân thật. Mắt thấy sắc biết là chân tâm, tai nghe tiếng biết là chân tâm, thân xúc chạm biết, tất cả là chân tâm. Ba căn này dễ nhận dễ thấy, chúng ta cố gắng công phu hằng ngày.

Chân tâm rỗng rang sáng suốt trùm hết sáu căn. Chân tâm đó không tướng mạo, không sinh diệt... nhưng nếu ta không chịu tu thì không bao giờ nhận ra nó. Do ta lãng quên tâm Bồ-đề, nên bị tham dục kích động. Thành ra thời gian tu hành rất lâu xa. Nói vậy không phải để chúng ta ngán tu mà là kiên trì giữ gìn tâm nguyện ban đầu. Thiền sư Huyền Giác nói sát-na diệt khước A-tỳ nghiệp, nghĩa trong một thời gian cực ngắn, nếu giác ngộ được tâm Bồ-đề thì sẽ diệt hết nghiệp nơi ngục A-tỳ. Bấy giờ địa ngục hay thiên đường không dính dáng gì tới mình nữa. Chỗ này triệt để như vậy.

Kinh nói: Dục là oan gia. Tâm tham đắm dục là kẻ giặc. Dục nhiễm nó làm ô uế bất tịnh. Người nào đắm đuối nó thì các căn bị u mê và rơi vào chỗ tăm tối khổ đau. Ở đây nói dục là oan gia. Chúng ta tu hành đâu muốn kết oan gia làm gì, ai cũng mong buông bỏ được hết mọi thứ. Mong là mong như vậy nhưng trên thực tế, ta không buông được mà lại đi theo khuynh hướng gom góp về mình. Cho nên nói dục là oan gia. Nội một điểm này thôi cũng đủ để chúng ta tu hết cả đời rồi. Cởi hết những trói buộc, xiềng xích buộc ràng là tâm nguyện của người tu, cần phải vận dụng ý chí và có sự kiên quyết vững mạnh mới thực hiện được.

Những oan gia buộc ràng đó, giống như dây mơ rễ má từ nhiều đời, người tu phải bứt ra, mở hết ra để được giải thoát. Chữ “giải” là mở ra, chữ “thoát” là lột ra hết, thoát ra khỏi. Chúng ta tu theo đạo giải thoát, tức là đạo gỡ ra, chứ không phải buộc lại. Từ đây cho đến ngày thành Phật, đại nguyện của chúng ta là giải thoát. Cho nên không có lý do gì mà kết oan gia với bất cứ một pháp nào của thế gian, như vậy chúng ta mới trị được gốc dục. Nếu kết oan gia thì mình luôn bị kẻ giặc đi theo phá phách, lấy hết gia bảo của chúng ta.

Như nói sáu giác quan là sáu giặc, tại sao? Vì mình bị nó nhiễu loạn, sai khiến, mất hết tự do tự chủ. Mắt thấy sắc đẹp chạy theo, đó là giặc. Tai nghe tiếng hay chạy theo, đó là giặc. Mũi ngửi mùi thơm chạy theo, đó là giặc. Lưỡi nếm vị yêu thích, đó là giặc. Thân xúc chạm những thứ mềm mại sinh ra tham đắm, đó là giặc. Ý lao lung mê mờ theo vọng tưởng loạn động, đó là giặc. Từ sáu giác quan, nếu chúng ta chạy ra, dính bên ngoài là giặc. Ngược lại cũng từ sáu giác quan, thấy biết rõ ràng và không chạy theo thì không phải giặc. Ta sử dụng được sáu giác quan một cách tự do tự tại thì nó trở thành sáu thần thông.

Chư vị Tỳ-kheo chứng A-la-hán, sáu giác quan của các ngài trở thành sáu thần thông. Tôn giả Mục-kiền-liên khi chứng Thánh quả, ngài có lục thần thông bậc nhất thời đó. Chúng ta cũng có sáu giác quan, nỡ nào để cho chúng trở thành sáu thằng giặc, não hại lại mình. Muốn được bình yên, muốn tạo công đức, chúng ta phải bảo vệ sáu căn theo con đường đức Phật đã dạy, nghĩa là xoay vô trong tự tâm, không chạy theo trần cảnh bên ngoài.

Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật dùng ví dụ như căn nhà có sáu cửa hình dáng khác nhau. Cửa tròn, cửa vuông, cửa bầu dục… đủ thứ hết. Trong nhà có một khối ngọc sáng chiếu suốt qua các cửa, cửa có hình dáng nào thì ánh sáng cũng toả ra theo hình dáng ấy. Cũng thế, chúng ta có tánh biết hiển lộ qua sáu căn. Ở mắt là tánh thấy, ở tai là tánh nghe, ở mũi là tánh ngửi… Khi biết có tánh thấy tánh nghe v.v… là biết chúng ta có cái gốc bên trong, có viên ngọc sáng suốt trùm khắp bên trong. Vì vậy tu là quay về nhận lại viên ngọc ấy mà dùng. Nếu ngang đây chúng ta lao ra ngoài chạy theo cái này cái kia, như chạy theo xe hơi đẹp, cái nhà đẹp, cô gái đẹp là chúng ta đã mất viên ngọc sáng và đang bị sáu tên giặc vây hãm. Việc tu hành của chúng ta chỉ vậy thôi.

Nói cụ thể hơn về tánh thấy, như con mắt đang thấy cái máy trước mặt, chúng ta biết rõ mình đang thấy cái máy. Ngang đó ta không phân biệt cái máy tốt hay xấu, nước nào chế tạo, rồi sinh tâm ưa thích hay không ưa thích. Phật nói đó là chân tâm. Thấy cái gì nhận biết rõ cái ấy, không khởi thêm niệm nào hết, là chân tâm. Thấy ánh sáng bên ngoài ta nhận biết mình có tánh thấy, đó là nhận ra khối ngọc bên trong, nhận ra chân tâm. Ngược lại, thấy cái máy mà khởi niệm tìm hiểu, phân biệt cái máy rồi sinh tâm khen chê là giặc. Các căn khác cũng như thế. Nếu nơi các căn, chúng ta đều bị các pháp kéo đi thì biết chừng nào trở về nhận lại chân tâm. Cho nên người tu thiền phải trực chỉ, ngay nơi cái thấy ban đầu dừng lại, đừng để giặc xâm lấn lôi đi.

Nơi sáu giác quan chúng ta trở về, đó là tu. Thiền chỉ có thế. Chúng ta tu ở đâu cũng được, ngồi thiền trước bàn Phật cũng được, ngồi thiền trên xe hơi cũng được, đang đi làm nơi công sở, tranh thủ thời gian nghỉ quý vị ngồi thiền cũng được, ở nhà một mình ngồi thiền càng dễ hơn. Có khi đang tiếp khách, nói chuyện, làm việc chúng ta cũng thực tập thiền. Thực tập bằng cách giác quan nào phóng ra mình lôi nó lại ngay, trở về với chân tâm. Mình biết mình có ánh sáng trùm khắp, không cần sự sáng suốt bên ngoài, như vậy sẽ nhận ra và sống được với chân tâm không khó. Người hằng sống được như vậy, trước nhất biểu hiện công đức không phân biệt. Công đức này rất lớn. Tại sao? Nhờ không phân biệt nên không có vọng tình chấp trước các pháp. Bởi nếu phân biệt chúng ta sẽ lao vào cái hay dở tốt xấu, dính mắc và tạo nghiệp trong đó.

Trở lại kinh Lăng-nghiêm, làm sao chúng ta sống được với cái “diệu tịnh minh thể” sáng suốt vi diệu? Phật bảo tất cả chúng sinh đều có sẵn cái này, không phải chỉ người có học, có tiền, có quyền mới có, bởi vì nó vô phân biệt mà.

Muốn nhận ra tánh tịnh này trước nhất phải có công đức vô phân biệt. Lâu nay chúng ta quên tánh giác, rồi tưởng mình không có, đành chấp nhận thân phận nghèo khổ lang thang, tạo nghiệp trôi giạt trong luân hồi sinh tử. Bây giờ người nào nhận ra nó rồi thì cố gắng sống được với nó, người nào chưa nhận phải ráng nhận cho ra. Đó là công việc chính của chúng ta.

Các thiền sư không lập văn tự, không bị hình thúc câu thúc, không bị các pháp trói buộc. Đi cũng sống với cái đó, đứng cũng sống với cái đó, ngồi cũng sống với cái đó, nằm cũng sống với cái đó. Trong tất cả thời, nói năng, động tịnh gì cũng hằng sống với nó. Chúng ta tu phải phát đại nguyện của Bồ-tát, thành tựu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác là mục đích tối hậu, chứ phát nguyện tu được phước lên thiên đường thì chưa đúng ý Phật dạy. Ở thiên đường thụ hưởng hết phước, rớt cái rầm xuống địa ngục. Ở dưới đó vớt lên được cực ơi là cực. Khó lắm! Cho nên ngang đây, chỗ có khổ có vui, có Phật pháp chân chính, dễ áp dụng tu tập, chúng ta nỗ lực tu hành cho được giác ngộ viên mãn. Nếu lỡ đi vào thiên giới thì không ổn đâu. Như Uất-đầu-lam-phất thời Phật, ông tu theo ngoại đạo chứng được thiền Phi tưởng phi phi tưởng, mà đức Phật bảo “Tội nghiệp!” Tại sao? Vì được quả vị ấy rồi sẽ lên cõi trời Vô Sắc, tuổi thọ vô cùng dài lâu. Ở đó vui hưởng phước trời rất vừa lòng xứng ý nên quên tu. Đến khi hết phước rớt xuống địa ngục, thọ khổ chịu không nổi. Cho nên Phật nói nếu ngài thành Phật sớm hơn một chút, đủ duyên độ cho Uất-đầu-lam-phất làm Tỳ-kheo, chứng A-la-hán thì an toàn nhất.

Chúng ta hiện nay dù là chúng sinh, nhưng biết tu theo Phật, đây là duyên tốt. Vì vậy làm sao nỗ lực nhận và hằng sống được với tánh giác, bản lai diện mục của mình là thành công nhất. Bây giờ căn cứ từ những lời Phật tổ dạy, nhận biết các pháp không thật, chúng ta bỏ đi đừng theo nó. Tu trực chỉ là như vậy. Với con mắt trí tuệ của các bậc thánh, thấy cái bàn từ gỗ, từ người vẽ ra, từ thợ đóng ráp v.v… đủ duyên hợp lại thành hình như thế, gọi là cái bàn. Nó là pháp duyên sinh, Phật nói không thật, đệ tử Phật cũng biết nó không thật, chúng ta cũng biết nó không thật nữa, nhưng mình chưa đủ bản lĩnh buông bỏ nên mình là chúng sinh. Bây giờ biết nó không thật, ta không phân biệt, không tham đắm, không chấp giữ, như vậy là giải thoát. Tu hành chỉ thế, đâu có gì quá sức chúng ta, chỉ tại mình không chịu tu thôi.

Nhờ đức Phật chỉ thẳng thân này không thật, nếu không chúng sinh sẽ tham đắm thân này cứng chắc không biết tới chừng nào, đừng nói đến tâm. Nội thân này thôi, cả ngày mình sửa soạn, vướng mắc, lo lắng... mất hết thì giờ, tiền của, công sức, mà rốt cuộc có giữ được đâu! Lỡ nó có cái u ở đâu đó là thấy khổ tới rồi. Thế nhưng có ai lại không bệnh đau khi thọ thân? Như hồi nhỏ mình đi ngay thẳng hiên ngang, bây giờ lưng cong chân yếu, dáng đi xiêu vẹo, xấu quá chừng. Ai muốn vậy đâu, cho nên khổ. Do đó Phật dạy đừng đắm luyến thân, hãy lợi dụng nó tu cho mau, vì thân vô thường dễ tan vỡ lắm.

Một hôm Phật thuyết pháp, thấy A-na-luật ngủ gục. Ngài kêu hỏi:

- Ông ở ngoài có thiếu nợ không?

- Bạch đức Thế Tôn, con không có thiếu nợ.

- Ai bắt buộc ông tu?

- Bạch đức Thế Tôn, không ai bắt buộc cả. Con thấy đức Phật tu được giác ngộ rất là an vui nên con theo Phật tu.

- Ông không bị nợ nần, không bị thúc bách, ông chỉ vào đây tu để được thành Phật mà cứ ngủ gục như vậy, biết bao giờ mới thành đạo?

Bị Phật quở lần đó, ngài phát nguyện không ngủ nữa. Tôn giả không ngủ đến lúc hai mắt sưng tấy lên, rất đau nhức. Trong giáo đoàn đức Phật có vị đệ tử tục gia là thầy thuốc Kỳ-bà, thuộc hàng thần y. Phật bảo ông đến xem và trị bệnh cho ngài A-na-luật. Ông Kỳ-bà coi bệnh xong về bạch với đức Phật: Nếu tôn giả A-na-luật chịu ngủ một chút thì con trị được. Nhưng tôn giả nhất định hạ thủ công phu không chịu ngủ, nên con đành bó tay. Thế là hai mắt của ngài mù luôn. Tuy nhiên, với sức tinh cần thiền định, tôn giả đã chứng thánh quả A-la-hán, một phần thưởng cao tột không gì hơn. Kể từ đó, ngài không dùng được nhục nhãn, nhưng bù lại ngài có thiên nhãn bậc nhất trong mười vị đại đệ tử của đức Phật. Hai con mắt bây giờ của ngài là hai con mắt trí tuệ, chứ không phải hai con mắt thịt do cha mẹ sinh ra nữa.

Hình ảnh đó cho chúng ta một khẳng định về tinh thần kiên quyết của người tu. Chúng ta chưa được như tôn giả A-na-luật, nhưng cũng tự hào là con Phật, là quyến thuộc của tôn giả, do vậy khi thọ bệnh chúng ta phải có một chút gan. Lợi dụng thân này để tu, nhưng đừng chìu nó quá mức. Không chìu nó, không theo thị dục của nó, mới làm chủ được mình, cắt bỏ hết những phân biệt về thân. Đó là pháp tu, là con đường rộng lớn để chúng ta tiến đến chỗ an ổn. Tôn giả A-na-luật là một tấm gương cho hàng Thích tử chúng ta. Dù cách ngài đã xa nhưng gương hạnh của ngài vẫn còn sáng mãi trong giáo đoàn của đức Phật xưa cũng như nay. Noi gương sáng ấy, chúng ta nỗ lực tu hành cho đến khi thành tựu đạo nghiệp mới thôi.

Chúng ta lúc nào cũng nhớ đại nguyện của mình. Đó là tu thành Phật, không thành cái gì khác. Giả dụ có rớt xuống địa ngục cũng phát nguyện tu thành Phật, rủi như được lên thiên đàng cũng nguyện tu thành Phật. Tất cả các pháp đều không thật, thân này không thật, tâm vọng tưởng không thật. Nhận và hằng sống như vậy thì được an ổn, không bị tham dục lôi dẫn. Phải nhớ cái sáng suốt trùm khắp sẵn có của chúng ta, chính là chân tâm. Thấy biết chân tâm, nghe biết chân tâm, ngửi biết chân tâm, nếm biết chân tâm, xúc chạm biết chân tâm, ý biết chân tâm. Chân tâm đó hiện tiền không hình tướng, không sinh diệt, trùm khắp vô niệm. Nó chính là ông chủ của chúng ta, chúng ta sống được với ông chủ này thì thành Phật.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]