Câu hỏi : Trong gia đình con, ba mẹ chồng đều có thờ Phật, thờ bà độ mạng,

Câu hỏi : Trong gia đình con, ba mẹ chồng đều có thờ Phật, thờ bà độ mạng, thờ ông bà … Cung kính đều đặng mỗi ngày vào ngày rằm, mồng một hàng tháng và cũng sống tốt. Hay giúp đỡ mọi người, sống lương thiện. Nhưng không chịu đọc kinh sách Phật. Cả hai, năm nào cũng đi cầu bà chú xứ, bà Tây ninh, cung đình, xin xăm và rất tin vào cái xăm. Năm nào cũng cúng sao giải hạn, hễ cần việc gì thì vẫn vái tứ phương, cũng tạ lễ … Nói chung là mê tín. Cúng kiến như đạo bà la môn và xem tivi suốt ngày …

Con không thể làm gì khác được, chỉ cố gắng tu tập để đừng ngã theo và giữ tâm, giữ khẩu để đừng đụng chạm đến tín ngưỡng của cha mẹ chồng …  Vậy con phải làm sao để cho đúng với vai trò của người con Phật và người con dâu?

Đáp : Tín ngưỡng là những gì thuộc về lòng tin, thuộc về tâm linh. Thuộc về tâm linh thì nó không có biên giới rõ ràng như một món đồ trong cuộc sống. Thấy xấu thì không mua, thấy tốt thì mua… Xin đưa một ví dụ cho dễ hiểu : Cầu tự ở bà chúa xứ về, ông bà liền được đáp ứng một việc nào đó. Việc đó thực ra không phải do cầu tự mà được, không phải do bà chúa xứ ban cho, mà do chính những việc phước thiện ông bà đã làm hằng ngày, cộng với lòng thành của ông bà mà được. Nhưng vì là vấn đề thuộc tâm linh, lại chưa đủ trí tuệ và Phật nhãn để thấy được nhân nào cho ra quả nào, nên có sự nhầm lẫn. Cứ nghĩ bà chúa xứ ban cho những điều đó.

Đương nhiên, không phải khi nào cầu, “bà chúa xứ cũng cho”. Có điều, khi được thì ông bà nhớ, khi không được thì ông bà đổ tại thế này thế nọ mà bà chúa xứ không ban v.v… Tức lấy một lần được đáp ứng đó, che hết những lần không được đáp ứng và cho là bà chúa xứ có thần lực ban phát, chứ không đặt câu hỏi vì sao có lúc được, lúc không v.v…. Lòng tin một khi đã được trợ ứng bằng một vài kết quả (dù kết quả đó do lầm nhân lộn quả mà ra), thì muốn thay đổi lòng tin đó không phải dễ. Nó đã trở thành một định kiến, một quan niệm sống. Đã là định kiến thì ... như Einstein từng nói: “Thời nay phá vỡ một kiến chấp còn khó hơn phá vỡ một hạt nhân nguyên tử”. Đó là cái khó mà chúng ta gặp phải khi muốn giúp một ai đó thay đổi đi quan niệm của mình.

Thứ hai, thế giới này là thế giới duyên khởi. Nghĩa là làm gì cũng phải có nhân duyên với nhau. Có nhân duyên với nhau, đây muốn nói thuận duyên, thì mọi việc dễ đưa đến kết quả tốt. Duyên nghịch thì ít đưa đến kết quả tốt. Không có nhân duyên thì mọi thứ như nước đổ đầu vịt … Không có nhân duyên với nhau thì dù là đức Phật, cũng không độ được bà già quản gia của ngài Cấp Cô Độc. Có nhân duyên thì mọi thứ đều xong như bà quản gia có nhân duyên với ngài La Hầu La. Ngài nói gì bà cũng nghe, cũng thuận. Đây là việc rất cần thiết và quan trọng trong việc lợi tha.

Cô cần coi xem, duyên giữa cô với cha mẹ chồng có thuận không? Thuận, nghĩa là cha mẹ chồng thương, cha mẹ chồng dễ nghe lời cô v.v… Nếu chưa đủ những nhân tố để thấy là thuận, thì mình cần thời gian để làm cho mối nhân duyên giữa cha mẹ chồng và mình thuận trước, rồi các việc khác tính sau. Một định kiến, có khi cần phải đến vài kiếp mới có thể thay đổi được, chứ không đơn giản. Không phải chỉ mình mình có thể giúp họ phá bỏ, mà phải có sự hộ trì của Tam bảo, cộng với lực thiện căn của chính người đó. Vì thế, với việc lợi tha, chư vị Bồ tát có vô lượng a tăng kỳ kiếp để tự lợi và lợi tha. Nhưng dù lâu xa bao nhiêu thì : Không có gì là không thay đổi được một khi nhân duyên đã đủ, đạo lực của mình vững mạnh.

Tóm lại, xin đưa ra những ý kiến sau :

1. Coi xem nhân duyên giữa cha mẹ chồng và mình có thuận không. Nếu không, thì đừng quan tâm đến những điều đó là tốt nhất. Nếu có, thì thuận được đến mức nào? Nhưng thuận đến mức nào chăng nữa thì cũng không nên khuyên ông bà bỏ, mà chỉ nên khuyên, hoặc tạo điều kiện, hoặc giúp đỡ ông bà tăng cường việc phước thiện, giữ 5 giới của người tại gia … Đó mới là điểm chính. Thiện căn một khi tăng trưởng thì tự nó có lực giúp ông bà phá bỏ những mê tín dị đoan của chính mình.

2. Nếu thuận duyên thì cũng chỉ nên : Lâu lâu nêu ra một vài mâu thuẫn nào đó để khởi cái nghi cho ông bà trong vấn đề cúng kiến không đúng chánh pháp. Nghi một khi đã xuất hiện, thì niềm tin từ từ sẽ phai lạt. Không nên đụng đến tín ngưỡng mà ông bà đang theo. Việc này đòi hỏi sự khéo léo và nhẫn lực. Rất cần sự khéo léo và nhẫn lực. Không phải là việc dễ làm. Thấy không xong thì nên tránh …

3. Cố gắng tu tập : Đây là phần quan trọng nhất. Giữ giới mình đã thọ và giữ tâm càng bình tỉnh càng an định càng tốt. Tâm an thì trí mới phát. Trí phát thì mình sẽ biết phải làm gì để sự việc tốt hơn, không nên làm gì để sự việc xấu thêm. Mọi công đức có được trong đời đều hồi hướng cho tất cả chúng sinh, trong đó nhấn mạnh đến cha mẹ chồng, nguyện ông bà thay đổi đi những quan niệm sai lầm … Với lòng nhiệt thành và sự tu tập kiên trì của mình, dù cô không có nhân duyên với cha mẹ chồng để giúp ông bà thay đổi những tư kiến sai lầm, thì cũng sẽ có các duyên khác giúp ông bà thay đổi. Cứ yên lòng mà tu tập. Kinh nói: “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”.

Tuổi già thì biết làm gì ngoài việc xem … tivi. Ông bà vui vẻ, mạnh khoẻ, sống lương thiện, nếu giữ được thêm 5 giới của người tại gia nữa, thì quá tốt rồi. Không sao đâu, thưa côø!

Chúc cô thân tâm thường an lạc, thành công trong việc lợi mình và lợi người.

 

Các tin khác

[ Quay lại ]