163 - Ngưỡng Sơn vẽ tướng tròn

仰 山 圓 相

Ngưỡng Sơn viên tướng

巖 頭 伊 字

Nham Ðầu y tự

高 庵 歎 侈

Cao Am thán xỉ

宏 智 助 匱

Hoằng Trí trợ quĩ

651. — Ngưỡng Sơn vẽ tướng tròn

Thiền sư Huệ Tịch Thông Trí ở Ngưỡng Sơn ban đầu du phương, ra mắt ngài Ðam Nguyên (húy là Ứng Chân, nối pháp Nam Dương), đã ngộ được huyền chỉ. Ðam Nguyên bảo Sư rằng:

– Khi ấy Quốc sư được truyền từ sáu đời Tổ sư, gồm chín mươi bảy viên tướng. Ngài trao tất cả cho lão tăng và bảo rằng sau khi ngài thị tịch ba mươi năm, sẽ có một ông sa-di từ phương Nam đến đây làm hưng thịnh giáo pháp này. Nay ta trao nó cho ngươi, ngươi nên giữ gìn và lần lượt truyền trao chớ để bị dứt mất.

Nói xong, Ðam Nguyên đem sách ấy giao cho Sư. Sư nhận lấy, xem qua một lần rồi đem đốt hết. Một hôm, Ðam Nguyên hỏi Sư có giữ gìn kĩ những viên tướng hôm trước không. Sư thưa:

– Khi ấy, con xem rồi đem đốt sạch!

– Pháp môn của ta đây, không ai biết nổi. Chỉ có Tiên sư và chư Tổ sư, chư đại Thánh nhân mới biết mà thôi. Ta giao lại cho ngươi, sao ngươi đem đốt hết đi?

– Huệ Tịch xem qua một lần đã biết ý chỉ trong đó, không cầm bản cũng sử dụng được!

– Mặc dù như thế, đối với ngươi thì được, còn người sau thì chịu thua!

Sư bảo:

– Nếu Hòa thượng cần thì con chép lại, không có gì khó!

Sư liền chép lại một bản rồi trình lên Ðam Nguyên không hề sai sót. Ngài bảo: Ðúng lắm!

Trong Kích Tiết Lục của Viên Ngộ ghi: Thuở xưa, Quốc sư có một trăm hai mươi thứ viên tướng, truyền cho Ðam Nguyên. Sau đó Ðam Nguyên truyền cho Ngưỡng Sơn, Ngưỡng Sơn đốt hết. Ðam Nguyên bảo:

– Bát-nhã Ða-la có lời sấm như sau: “Chú Sa-di nhỏ mà có tác dụng rất lớn”.

(Theo: Hội Nguyên.)

652. — Nham Ðầu dạy chữ Y

Thiền sư Nham Ðầu Toàn Khoát bảo các đệ tử rằng:

– Ta từng nghiên cứu Kinh Niết-bàn trong bảy tám năm, xem ba đoạn văn giống như Thiền tăng nói.

Ý nghĩa của lời dạy ta giống như ba điểm của chữ Y:

1. Một chấm ở hướng Ðông nhằm mở mắt chư Bồ tát.

2. Một chấm ở hướng Tây nhằm chạm đến mạng căn của chư Bồ tát.

3. Một chấm ở phía trên nhằm tô điểm đỉnh của chư Bồ tát.

Ðây là ý nghĩa của đoạn thứ nhất.

Sư còn nói:

– Ý nghĩa lời dạy của ta giống như trời Ma-hê Thủ-la dùng tay vạch trán theo chiều dọc mở ra một con mắt. Ðây là ý nghĩa của đoạn thứ hai.

Sư lại nói:

– Ý nghĩa lời dạy của ta giống như tiếng trống độc, khi đánh lên một tiếng khiến cho những người xa gần nghe được đều lăn ra chết, cũng gọi là câu tử. Ðây là ý nghĩa của đoạn thứ ba.

(Theo: Truyền Đăng lục.)

653. — Cao Am than xa xí

Hòa thượng Cao Am Ngộ nghe tin Thành Khô Mộc trụ Kim Sơn, thọ dụng quá xa xỉ, liền than thở hồi lâu, rồi nói:

– Phép tắc của Tì-kheo quí ở chỗ trong sạch và tiết kiệm, đâu nên hoang phí như thế, để khiến lũ hậu sinh bắt chước theo thói xa hoa đó, tăng thêm lòng mong cầu không chán, mà không thấy hổ thẹn với cổ nhân sao?

(Theo: Thiền Lâm Bảo Huấn.)

654. — Hoằng Trí giúp thiếu hụt

Vào niên hiệu Thiệu Hưng, mùa Ðông năm Quí Hợi (1155), Thiền sư Ðại Huệ nhờ ân vua phóng thích, trở về phương Bắc. Khi ấy chùa Dục Vương đang thiếu người trụ trì, Hòa thượng Hoằng Trí liền đề cử Ðại Huệ giữ chức ấy. Hoằng Trí biết trước rằng người theo học với Ðại Huệ rất đông nên chắc chắn sẽ thiếu lương thực. Trí dặn trước với Tri sự rằng:

– Ông tính gấp cho tôi số người mà nhà nhà bếp phải cung ứng trong năm để tôi sắp đặt tăng thêm gấp bội.

Tri sự làm theo lời ngài dạy. Sang năm, quả thật số chúng của Ðại Huệ lên đến hơn ngàn người. Chưa bao lâu thì nhà bếp báo cáo là hết lương thực. Ðại chúng đều lo sợ không yên. Ðại Huệ không thể phớt tỉnh được. Hoằng Trí liền đem các món mà ngài đã tích chứa ra phát hết cho họ. Nhờ đó mỗi người trong chúng đều nhận được sự giúp đỡ của ngài. Ðại Huệ đi đến cảm ơn ngài rằng:

– Nếu không phải là Cổ Phật thì đâu có lực lượng này!

(Theo: Nhân Thiên Bảo Giám.)

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]