Bài 110 — Biển Ðầu bị quở mắng

匾 頭 被 罵

Biển Ðầu bị mạ

水 潦 遭 踏

Thủy Lạo tao đạp

死 心 下 火

Tử Tâm hạ hỏa

自 蟬 掛 塔

Tự Thiền quải tháp

439. — Biển Ðầu bị quở mắng

Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam trước ở với ngài Lặc Ðàm Hoài Trừng không ngộ, sau đến học với Thiền sư Từ Minh và được khai ngộ ở đây. Trong tùng lâm gọi Sư là Nam Biển Ðầu, nguyên do như sau:

Một hôm, Sư đến thất của ngài Từ Minh thưa rằng:

- Huệ Nam do vì mê mờ nên nhiều lầm lỗi, trông mong hiểu đạo nhưng chưa thấy. Con nghe được buổi dạ tham này như người đi xe có được kim chỉ nam. Cúi mong Thầy mở lượng đại từ ban cho con pháp thí khiến sạch hết mọi điều nghi còn sót lại.

Từ Minh cười, nói:

– Thư kí đã lãnh đồ chúng du phương nổi tiếng khắp tùng lâm. Giả sử có nghi thì hãy bỏ chỗ hẹp hòi của mình, ngồi lại mà thương lượng, ta đâu thể chẳng chiếu cố đến ông.

Liền gọi thị giả đem ghế mời Huệ Nam ngồi, Nam cố từ, khẩn cầu tha thiết xin Từ Minh chỉ dạy.

Từ Minh nói:

– Thư kí học Thiền Vân Môn ắt biết được ý chỉ kia. Như nói “Tha Ðộng Sơn ba gậy”, khi ấy Ðộng Sơn nên bị ăn gậy hay chẳng nên bị ăn gậy?

Sư đáp:

– Nên bị ăn gậy.

Từ Minh nghiêm sắc mặt lại nói:

– Nghe nói ba gậy liền nói nên cho ăn thì từ sáng đến chiều nghe tiếng quạ kêu, chim hót, tiếng chuông mõ, tiếng trống bảng, lẽ ra cũng nên cho ăn gậy hết sao?

Sư nhìn sững mà lui. Từ Minh nói:

– Ban đầu ta nghi chẳng thể làm Thầy ông, bây giờ thì làm Thầy ông được rồi, ông hãy lễ bái đi!

Sư lễ bái xong đứng dậy, Từ Minh chỉnh lại lời trước:

– Nếu như ông hiểu được ý chỉ của Vân Môn thì, Triệu Châu thường nói: “Bà già Ðài Sơn bị ta khám phá”. Ông thử chỉ ra chỗ khám phá xem!

Sư suy nghĩ đến đổ mồ hôi trán mà chẳng đáp được, rảo bước đi ra. Hôm sau hỏi đến chỗ ấy lại bị ngài Từ Minh quát mắng. Sư day nhìn hai bên tả hữu nói:

– Chính vì chưa hiểu mới cầu quyết trạch, há lấy sự chửi mắng cho là pháp thí từ bi sao?

Từ Minh cười nói:

– Như vậy là mắng chửi sao?

Sư ngay khi ấy thầm ngộ được ý chỉ kia, reo lên:

– Lặc Ðàm quả là tử ngữ, hiến ngữ.

Sư liền nói kệ:

Kiệt xuất tùng lâm thị Triệu Châu

Lão bà khám phá một lai do

Nhi kim tứ hải thanh như kính

Hành nhân mạc dĩ lộ vi nan.

                  Trỗi nhất Thiền sư là Triệu Châu,

                  Bà già bị khám, chẳng ngộ thiền

                  Hôm nay bốn bể như gương sáng

                  Bộ hành thôi chớ ghét con đường!

Từ Minh lấy tay chỉ ngay chữ mất (nguyên văn là chữ Một 沒) cho Sư xem. Sư liền đổi thành chữ có (nguyên văn là chữ Hữu 有). Vì khâm phục ngài Từ Minh nên Sư ở lại đấy vài tháng nữa rồi mới ra đi.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy: Sở dĩ trong tùng lâm gọi sư Huệ Nam là Nam Biển Ðầu (Nam tấm bảng), vì khi Sư chưa ngộ, bị ngài Từ Minh hỏi, Sư trả lời chưa được viên dung, cũng giống như người vác bảng. Người nào vác bảng sau lưng thì chỉ thấy được mé trước mặt, chứ không nhìn được hai bên và mé sau.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 8.)

440. — Thủy Lạo bị ăn đạp

Hòa thượng Thủy Lạo đến tham vấn Mã Tổ. Khi Sư lễ bái xong, vừa muốn hỏi liền bị Tổ tống cho một đạp té nhào. Sư hốt nhiên đại ngộ, đứng dậy cười to ha hả, nói:

– Lạ quá chừng, lạ quá chừng! Trăm ngàn tam-muội vô lượng diệu nghĩa, chỉ nhằm trên đầu một mảy lông mà biết được cội nguồn.

Sư liền lễ bái.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 8.)

441. — Tử Tâm châm đuốc đốt

Thiền sư Bảo Giác sắp thị tịch liền bảo đệ tử là Thứ sử Hoàng Ðình Kiên hãy coi sóc sự việc sau khi ngài mất. Vào ngày trà tì, chư tăng ở những ngọn núi gần đấy mang đuốc đến, lửa cháy chẳng liên tục. Hoàng liền nhìn Thiền sư Tử Tâm Tân (vốn là bậc bậc Thượng thủ, đắc pháp nơi ngài Bảo Giác, nối pháp Hoàng Long), nói:

– Thầy đang chờ sư huynh đó!

Tân đưa cây đuốc tang cho Hoàng. Hoàng chẳng tiếp lấy, Tân cầm đuốc gọi đồ chúng:

– Chẳng phải họa thừa lụy đến ta. Tội lỗi ngập trời chẳng cho ta giết. Hôm nay hai chân tìm hư không mà đi, chẳng làm trâu thì chắc làm lừa.

Sư lấy bó đuốc vẽ một vòng tròn trên tuyết rồi thuận tay ném đuốc mà đốt.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 17.)

442. — Tự Thiền cho ở đậu

Thiền sư Ngũ Tổ Biểu Tự ở Kì Châu thừa kế Tổ vị. Tăng sĩ bốn phương lui tới rất đông không thể ngăn cấm. Sư treo bảng ngoài cửa, trong bảng ghi: “Ðông Sơn có ba câu, nếu người nào nói được thì nhận cho ở đậu”.

Tăng sĩ đều bỏ đi tứ tán. Một hôm, có vị tăng mang tọa cụ đến thẳng phương trượng thưa với Sư:

– Con nói chẳng được, chỉ muốn ở đậu!

Sư rất vui và gọi Duy na xếp đặt một căn phòng cho vị tăng này.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]