Bài 54 — Lại An con trâu trắng

懶 安 白 牯

Lại An bạch cổ

佛 嶴 花 奴

Phật Úc hoa nô

南 山 鼈 鼻

Nam Sơn miết tỉ

東 海 鯉 魚

Ðông Hải lí ngư

215. — Lại An con trâu trắng

Thiền sư Trường Khánh Ðại An (nối pháp Bách Thượng Hải) ở Phúc Châu hiệu là Lại An, Con nhà họ Trần ở Quận Chi. Sư xuất gia theo học ở núi Hoàng Bá, học tập sách vở luật nghi, thường tự suy nghĩ rằng: “Tuy ta chịu khó, song chưa được nghe lí huyền cực”.

Sư liền một mình đi tham học khắp nơi, sắp đến xứ Hồng Tỉnh vào rằm tháng giêng, Sư đang đi trên đường chợt gặp một cụ già đáng kính bảo Sư rằng: “Nên qua Nam Xương chắc có sở đắc”. Sư liền đến Bách Trượng, làm lễ rồi hỏi:

– Học nhân muốn biết Phật, như thế nào mới phải?

– Hệt như cưỡi trâu tìm trâu!

– Sau khi biết được rồi làm sao?

– Như người cưỡi trâu về nhà.

– Chưa biết trước sau bảo nhiệm thế nào?

– Như người chăn trâu, tay cầm roi, mắt dòm chừng, chẳng để cho nó phạm vào lúa mạ của người.

Từ khi Sư hiểu rõ ý chỉ này liền chẳng còn tìm cầu.

Lúc bạn đồng tham là Thiền sư Linh Hựu khai sáng Qui Sơn, Sư đem hết sức mình trợ đạo, và khi Linh Hựu qui tịch, đại chúng thỉnh Sư tiếp nối trụ trì.

Sư thường dạy chúng:

– Các ông chịu khó đi đến An này tìm cái gì? Nếu muốn làm Phật, các ông tự là Phật, vác Phật chạy sang nhà bên cạnh giống hệt như con nai khát nước chạy đuổi theo sóng nắng, bao giờ mới được tương ưng? Ông nếu muốn làm Phật chỉ cần không có nhiều tâm chúng sinh như: điên đảo, phan duyên vọng tưởng, ác giác, dơ sạch, liền là Phật sơ tâm chính giác, đâu còn tìm cái gì khác nữa! Sở dĩ An này ở núi Qui ba mươi năm, ăn cơm ở núi Qui mà chẳng học thiền núi Qui, chỉ chăn một con trâu đực. Nếu nó đi lạc đường vào trong cỏ rậm liền nắm mũi kéo lại, nó vừa phạm vào lúa mạ của người liền lấy roi đánh và lôi nó ra. Ðiều phục nó đã lâu, nay thật dễ thương cho một kiếp trâu, bởi vì nó chịu nghe lời, đến nay nó biến thành một con trâu trắng, suốt ngày thường ở trước mặt sờ sờ, dù cho có đuổi nó cũng chẳng đi!

(Theo: Truyền Đăng, quyển 9.)

216. — Phật Úc con mèo nhà

Tăng hỏi Hòa thượng Phật Úc ở Ôn Châu (nối pháp Mã Tổ):

– Thế nào là loài súc sinh (dị loại)?

Sư gõ cái chén, kêu con mèo:

– Meo meo, ăn cơm đi!

(Theo: Truyền Đăng, quyển 8.)

217. — Núi Nam con ba ba

Xin xem tắc 178: “Tượng Cốt thiết già”

218. — Biển Ðông con cá chép

Xin xem tắc 141: “Càn Phong nhất lộ”.

(Theo: Vân Môn lục.)

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]