Pháp Nhị Hành

 Một hôm đức Phật ở trong thành Tỳ Xá Ly, tại Ðại Lâm. Bấy giờ có vị Tướng quân Siha, đệ tử của Nigantha (phái ngoại đạo Ni Kiền Tử) đến viếng Phật, ông hỏi:

-- Thưa Gotama, tin đồn Ngài chủ trương không hành động, thuyết pháp về không hành động và dùng pháp không hành động chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương hành động, thuyết pháp hành động và dùng pháp hành động chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp đoạn diệt và dùng pháp đoạn diệt chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương pháp hư vô, thuyết pháp hư vô và dùng pháp hư vô chỉ dạy đệ tử.

Ngài chủ trương nhàm chán, thuyết pháp nhàm chán và dùng pháp nhàm chán chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương khổ hạnh, thuyết pháp khổ hạnh và dùng pháp khổ hạnh chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương không nhập thai, thuyết pháp không nhập thai và dùng pháp không nhập thai chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương an ủi mọi người, thuyết pháp an ủi và dùng pháp an ủi chỉ dạy đệ tử v.v... Tin ấy có đúng hay họ xuyên tạc Ngài ?

Phật đáp:

-- Sa Môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp không hành động và chỉ dạy đệ tử pháp không hành động. Gotama chủ trương hành động, thuyết pháp hành động và chỉ dạy đệ tử pháp hành động. Gotama chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp đoạn diệt và chỉ dạy đệ tử pháp đoạn diệt. Gotama chủ trương nhàm chán, thuyết pháp nhàm chán và chỉ dạy đệ tử pháp nhàm chán. Gotama chủ trương hư vô, thuyết pháp hư vô và dạy đệ tử pháp hư vô. Gotama là người khổ hạnh, thuyết pháp khổ hạnh và chỉ dạy đệ tử pháp khổ hạnh. Gotama chủ trương không nhập thai, thuyết pháp không nhập thai và chỉ dạy đệ tử pháp không nhập thai. Gotama là người an ủi, thuyết pháp an ủi và chỉ dạy đệ tử pháp an ủi (Lời Phật xác nhận với Tướng Siha và Ngài giải thích tiếp).

Này Siha!

Thế nào Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp không hành động và chỉ dạy đệ tử pháp không hành động? Gotama không hành động đối với thân làm ác, miệng nói ác và ý nghĩ ác, thuyết pháp và chỉ dạy đệ tử theo chiều dừng điều ác.

Thế nào Gotama chủ trương hành động, thuyết pháp hành động và chỉ dạy đệ tử pháp hành động? Gotama chủ trương hành động thiện, thuyết pháp hành động thiện, thân miệng ý hướng chiều thiện...

Thế nào Gotama chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp đoạn diệt và chỉ dạy đệ tử pháp đoạn diệt? Gotama đoạn diệt tham sân si, thuyết pháp đoạn diệt tham sân si và chỉ dạy đệ tử pháp đoạn diệt tham sân si.

Thế nào Gotama chủ trương nhàm chán, thuyết pháp nhàm chán và chỉ dạy đệ tử pháp nhàm chán? Gotama nhàm chán thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, thuyết pháp nhàm chán thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, và chỉ dạy đệ tử pháp nhàm chán ấy.

Thế nào Gotama chủ trương hư vô, thuyết pháp hư vô chỉ dạy đệ tử pháp hư vô? Gotama chủ trương hư vô tham, hư vô sân, hư vô si, thuyết pháp hư vô tham, hư vô sân, hư vô si và chỉ dạy đệ tử pháp hư vô tham, hư vô sân, hư vô si.

Thế nào Gotama chủ trương khổ hạnh, thuyết pháp khổ hạnh và chỉ dạy đệ tử pháp khổ hạnh? Gotama chủ trương khổ hạnh và các pháp bất thiện, kể cả thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác đoạn tận như chặt đứt gốc cây ta la, thuyết pháp đoạn tận và chỉ dạy đệ tử những pháp ấy.

Thế nào Gotama chủ trương không nhập thai, thuyết pháp không nhập thai và chỉ dạy đệ tử pháp không nhập thai? Gotama đã đoạn không nhập thai ở tương lai, sự tái sanh đoạn tận gốc rễ không cho sanh khởi ở tương lai và chỉ dạy đệ tử cũng pháp ấy.

Thế nào Gotama chủ trương an ủi mọi người, thuyết pháp an ủi và chỉ dạy đệ tử pháp an ủi? Gotama là người an ủi, thuyết pháp an ủi và luôn luôn dạy đệ tử pháp an ủi mọi người.

Tướng Siha nghe Phật nói xong rất hoan hỷ tán thán: Thế Tôn thuyết pháp vi diệu, như dựng đứng lại vật bị quăng ngã, như phơi bày ra vật bị che kín, chỉ đường kẻ lạc hướng, như đem đèn vào bóng tối cho kẻ sáng mắt được thấy đường v.v... Xin Thế Tôn nhận cho con quy y làm đệ tử và nguyện hết lòng hộ trì Tam bảo.

Phật bảo:

-- Này Siha, hãy chín chắn suy nghĩ, chín chắn suy nghĩ kỹ! Có suy nghĩ chín chắn mới tốt, nhất là người danh vị lớn như ngươi!

Qua câu nói không vướng bận lợi danh khiến cho Tướng Siha rất khâm phục Ngài, và thành kính một lần nữa ông thưa: Xin Ðức Thế Tôn nhận cho con được quy y và hộ trì Tam Bảo.

Phật dạy tiếp:

-- Ðã từ lâu gia đình ông là giếng nước mưa nguồn cho người Nigantha, vậy ngươi nên tiếp tục ủng hộ họ. Hãy dành các thức ăn cúng dường cho những ai đến với ngươi.

Với tâm lượng bao dung của đức Phật, không phân chia bỉ thử, ta người của Ngài khiến cho Tướng Siha càng thêm kính mến và khâm phục đức Thế Tôn.

Bây giờ Phật thuyết cho Tướng Siha về bố thí, trì giới, sanh thiên, tai hại của sự ô nhiễm dục lạc v.v...Siha thâu nhận lời Phật dạy rất nhanh chóng. Phật tiếp nói pháp Tứ Ðế... khiến Siha tỉnh ngộ. Sau giờ thuyết pháp Siha thỉnh Phật và chư Tăng hôm sau về nhà ông cúng dường. Phật nhận lời.

Hôm sau Phật đến nhà Siha thọ trai, tướng Siha thiết trai cúng dường Phật những món thượng vị, và tự tay ông bưng sớt cúng dường Phật và chư Tăng.

Do lòng đố kỵ của ngoại đạo Nigantha nên họ dùng kế hạ uy tín Phật, họ bèn đánh trống chiêng rao khắp nẽo đường phố nói: "Tướng Siha giết vật cúng Gotama, Gotama biết mà vẫn ăn".

Tin ấy lan khắp mọi nơi... Có người đến báo cáo với Tướng Siha, ông nói:

-- "Ðã lâu các người ấy muốn chỉ trích đức Phật và chư Tăng nhưng không cơ hội để họ nói. Những điều xuyên tạc ấy đều vô cớ, trống rỗng không đúng lẽ thật".

Phật thọ trai xong, Ngài thuyết pháp sách tấn cho Tướng Siha và những người thân thuộc. Nghe pháp xong mọi người đều rất vui mừng tin nhận rồi lui. Phật trở về tinh xá.

(Trích lược Tăng Chi Bộ Kinh, VIII,II-12).

Bình

Qua bài kinh trên chúng ta thấy sự cảm hóa khéo léo nhiệm mầu của đức Phật. Ngài cảm hóa thế nào? Có phải Ngài dùng uy quyền thế lực để áp bức kẻ khác theo mình chăng? Có phải Ngài dùng xảo thuật thu hút người khác chăng? Có phải Ngài dùng lời lẽ hay, khéo léo lôi cuốn người chăng? Không! Hoàn toàn không! Ngài chỉ dùng đạo đức và hành động chân thật để cảm hóa người.

Qua lời xuyên tạc của ngoại đạo gắn cho Ngài là xấu, dở, chủ trương những cái vô lý thấp hèn như: Gotama chủ trương không hành động, có hành động, nhàm chán, đoạn diệt, hư vô v.v... Nhưng Ngài vẫn điềm nhiên không phản đối, và vẫn ung dung giải thích lập trường đúng với chánh pháp làm cho Tướng Siha phải cảm thán tinh thần cao thượng và giáo lý siêu việt của Ngài, ông bèn bỏ ngoại đạo xin quy y, tích cực ủng hộ Tam Bảo.

Khi thuyết phục được một người có uy tín lớn của ngoại đạo như Tướng Siha và ông ta xin quy y Tam bảo, lý đáng Phật cũng hãnh diện chấp thuận và khuyến khích Tướng Siha, lấy uy quyền lôi cuốn người dưới tay mình theo Phật, để uy tín Ngài càng lên cao, không ngờ Phật ngăn lại: "Này Siha, hãy chín chắn suy nghĩ, chín chắn suy nghĩ kỹ! Có suy nghĩ chín chắn mới tốt, nhất là người có danh vị lớn như ngươi".

Ở đây Phật dạy, những ai tin Ngài phải đủ trí phán đoán, nhận xét một cách thấu đáo sẽ tin. Như câu Phật thường nói: "Tin ta mà không hiểu ta là bài báng ta". Hiểu trước tin sau, lòng tin mới vững chắc và giúp cho mình thêm trí tuệ. Trái lại, tin một cách mù quáng thì lòng tin yếu đuối, cạn cợt dễ bị người xuyên tạc và gạt gẫm v.v... vì không có trí tuệ. Ðức Phật không chấp nhận chúng ta đến với Ngài bằng lòng tin như vậy. Do lập trường chân chánh và đầy đạo lý ấy nên Ngài thuyết phục được Tướng Siha.

Một điều nữa không kém phần đạo lý. Sau khi Tướng Siha trở thành một Phật tử đã phát nguyện tích cực cúng dường Tam Bảo v.v...lý đáng Phật khuyên giữ trọn lời hứa và khích lệ phục vụ cho Phật cùng đoàn thể của Phật (Pháp Tăng). Nhưng với tinh thần vô tư không chút vụ lợi, đặt đạo lý từ bi bình đẳng lên trên, Ngài dạy: "Ðã từ lâu gia đình ngươi là giếng nước mưa nguồn cho người Nigantha, vậy ngươi nên tiếp tục ủng hộ họ. Hãy dùng thức ăn cúng dường cho những ai đến với ngươi".

Thật cao cả thay cho lòng thương bao la của đức Phật, thương tất cả chúng sanh như một, không đặt riêng tư, không chia thân sơ, cao thấp... Thật xứng đáng với danh "Ðạo sư của Trời Người, cha lành trong bốn loại" (Thiên nhân chi Ðạo sư, tứ sanh chi Từ phụ).

Ðoạn rốt sau, vì đạo hạnh của Ngài cao cả như vậy nên thu hút phần đông tín đồ phái Nigantha (Ni Kiền Tử) theo Phật, do đó họ tìm cách hạ uy tín Ngài bằng câu chuyện xuyên tạc trên. Nhưng Phật vẫn bình thản không chút phản kháng việc ngoại đạo vu khống. Ngài chỉ để Tướng Siha (đệ tử của phái Nigantha trước kia) xác minh mà thôi. Ðây cũng là một điểm kỳ đặc nữa của đức Phật.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]