TẮC 37: BÀN SƠN TAM GIỚI KHÔNG PHÁP

LỜI DẪN: Cơ điện chớp luống nhọc suy tư, tiếng sét trên không bịt tai nào kịp, trên đầu cắm cờ đỏ, sau lỗ tai huơi hai kiếm, nếu không phải mắt nhanh tay lẹ làm sao chụp được. Có một loại cúi đầu suy nghĩ, dưới ý căn so lường, đâu biết trước đầu lâu thấy quỉ vô số. Hãy nói chẳng rơi vào ý căn, chẳng ôm được mất, chợt có nhắc biết thế ấy làm sao đáp được, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Bàn Sơn dạy rằng: Tam giới không pháp, chỗ nào tìm tâm ?

GIẢI THÍCH: Hòa thượng Bảo Tích ở Bàn Sơn phía bắc U Châu, là bậc tôn túc dưới Mã Tổ, sau xuất phát một Phổ Hóa. Sư sắp tịch bảo chúng: Có người tả được hình ta chăng ? Chúng đều vẽ hình trình Sư, Sư đều quở đó. Phổ Hóa ra nói: Con tả được. Sư bảo: Sao chẳng trình cho Lão tăng ? Phổ Hóa liền nhào lộn một cái rồi đi ra. Sư bảo: Gã này về sau như kẻ điên tiếp người. Một hôm, Sư dạy chúng: “Tam giới không pháp, chỗ nào tìm tâm, tứ đại vốn không, Phật nương đâu ở, ngọc tuyền chẳng động, dừng lặng không tỳ, nhìn mặt trình nhau, lại không việc khác.” Tuyết Đậu niêm ra hai câu tụng, hẳn là lẫn lộn vàng ngọc. Chẳng thấy nói: Bệnh rét cách ngày, chẳng nhờ thuốc lô đà. Sơn tăng vì sao nói theo tiếng liền đánh, chỉ vì kia mang gông đi cáo. Người xưa nói: Nghe tiếng khen ngoài câu, chớ nhằm trong ý tìm. Hãy nói kia ý thế nào, liền được chạy nhanh vượt chóng, điện xẹt sao băng. Nếu nghĩ nghị suy lường, dù có ngàn Phật ra đời mò tìm y chẳng được. Nếu là vào sâu trong khuôn vức, tột xương tột tủy, thấy được thấu thì Bàn Sơn một trường thất bại. Nếu nương lời hiểu tông, xoay mặt xoay trái thì Bàn Sơn chỉ được một cây cọc. Nếu là dính bùn kẹt nước, xoay quanh trong khối thanh sắc thì chưa mộng thấy Bàn Sơn. Ngũ Tổ tiên sư nói: Thấu qua bên kia mới có phần tự do. Đâu chẳng thấy Tam Tổ nói: “Chấp đó thất độ, ắt vào tà lộ, buông đi tự nhiên, thể không đi đứng.” Nếu nhằm trong ấy nói không Phật không pháp lại là chun vào hang quỉ. Cổ nhân gọi đó là hầm sâu giải thoát, vốn là nhân lành mà chuốc quả dữ. Vì thế nói người vô vi vô sự vẫn mắc cái nạn khóa vàng. Phải là tột cùng đáo để mới được. Nếu nhằm chỗ vô ngôn  mà nói được, chỗ hành chẳng được mà hành được, gọi đó là chỗ chuyển thân. Câu “Tam giới không pháp, chỗ nào tìm tâm”, nếu ông khởi tình giải thì chết chìm ở dưới lời nói kia. Chỗ thấy của Tuyết Đậu phủng bảy thấu tám, cho nên tụng ra:

TỤNG:              Tam giới vô pháp

                        Hà xứ cầu tâm

                        Bạch vân vi cái

                        Lưu tuyền tác cầm

                        Nhất khúc lưỡng khúc vô nhân hội

                        Vũ quá dạ đường thu thủy thâm.

DỊCH:              Tam giới không pháp

                        Chỗ nào tìm tâm

                         Mây trắng làm lọng

                        Dòng suối khảy đàn

                        Một bản hai bản không người hiểu

                        Mưa xuống hồ đêm nước thu sâu.

GIẢI TỤNG: Câu “Tam giới không pháp, chỗ nào tìm tâm”, Tuyết Đậu tụng ra giống như cảnh giới Hoa Nghiêm. Có người nói Tuyết Đậu trong không xướng ra. Nếu là người mi mắt mở ra, trọn chẳng hiểu thế ấy. Tuyết Đậu đến bên cạnh kia dán hai câu “Mây trắng làm lọng, dòng suối khảy đàn”. Tô Đông Pha tham kiến Chiếu Giác có làm tụng: “Tiếng khe chính thật lưỡi dài rộng, màu núi quả là thân sạch trong, đêm về tám vạn bốn ngàn kệ, hôm khác làm sao nói với người.” Tuyết Đậu mượn dòng suối làm chiếc lưỡi dài. Vì thế nói “Một bản hai bản không người hiểu”. Hòa thượng Kiền ở Cửu Phong nói: “Lại biết được mạng chăng ? - Dòng suối là mạng, lặng lẽ là thân, ngàn sóng đua dậy là gia phong Văn-thù, một sáng trời trong là cảnh giới Phổ Hiền.” “Dòng suối khảy đàn, một bản hai bản không người hiểu”, loại khúc điệu này phải là tri âm mới hiểu. Nếu chẳng phải người kia thì luống nhọc nghiêng tai. Cổ nhân nói: Người điếc xướng khúc nhạc nhà Hồ, hay dở thấp cao thảy chẳng nghe. Vân Môn nói: “Nhắc chẳng đoái, liền sai lẫn, toan nghĩ suy, kiếp nào ngộ.” Nhắc là thể, đoái là dụng, trước khi chưa nhắc điềm trước chưa phân mà thấy được là ngồi đoạn yếu tân. Nếu điềm trước vừa phân mà thấy được, liền có chiếu dụng. Nếu sau khi điềm trước phân rồi mà thấy được là rơi tại ý căn. Tuyết Đậu từ bi quá lắm, lại nói với ông “Mưa xuống hồ đêm nước thu sâu”. Bài tụng này đã có nhiều người bàn luận khen Tuyết Đậu có tài hàn lâm. Câu “Mưa xuống hồ đêm nước thu sâu”, phải để mắt nhìn nhanh, nếu chậm chạp nghi ngờ thì thảo luận không ra.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]